Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, đơn vị đã thuê Văn phòng tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình, Trường Đại học Thủy lợi kiểm tra hiện trường và thực hiện việc giám định chất lượng thân đập Nam Xuân. Văn phòng tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình đã tiến hành khoan bê tông mặt đập để kiểm tra cường độ chịu nén.
Kết quả xác định chất lượng bê tông, khả năng chịu lực cao hơn so với yêu cầu; kết quả kiểm tra độ lún mặt đập nằm trong giới hạn cho phép theo quy định. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra mái thượng lưu, mái hạ lưu của thân đập Nam Xuân đảm bảo điều kiện an toàn theo quy chuẩn quốc gia.
Trước đó, đầu tháng 3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã có báo cáo gửi Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về hiện trạng hồ chứa nước Nam Xuân. Theo đó, hạng mục đập đất của công trình có hiện tượng lún không đều, tạo ra trên mặt đập nhiều vết nứt ngang (khe từ 1 – 2cm); mái hạ lưu công trình bị xói lở, rãnh thoát nước mái hạ của thân đập bị gãy một số đoạn.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đề nghị Cục Quản lý xây dựng công trình chủ trì, phối hợp cùng đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông thực hiện việc đánh giá an toàn công trình Hồ chứa nước Nam Xuân và chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục các tồn tại hiện hữu.
Kế đó, ngày 5/3/2024, Cục Quản lý xây dựng công trình đã có công văn giao Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông chủ trì cùng với các nhà thầu thi công, tư vấn kiểm định chất lượng tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng công trình đầu mối và báo cáo theo quy định.
Hồ chứa nước Nam Xuân được triển khai trên diện tích hơn 95ha, dung tích hồ chứa gần 9,3 triệu m3. Dự án có tổng mức đầu tư gần 375 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng công trình hơn 295 tỷ đồng. Công trình cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 12/2021.
Việc xây dựng hồ chứa nước Nam Xuân được kỳ vọng sẽ điều tiết nguồn nước suối Đắk Mâm nhằm cấp nước tưới ổn định cho khoảng 1.700 ha diện tích đất canh tác khu vực các xã Nam Xuân, Tân Thành, Đắk Sôr, Nam Đà và thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông); tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 3.000 dân; góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương.