Theo đó, Sở Công Thương Đắk Nông yêu cầu 20 doanh nghiệp (là chủ đầu tư của 28 công trình thủy điện) báo cáo, cung cấp thông tin về việc duy trì dòng chảy môi trường sau đập các hồ chứa thủy điện. Nội dung báo cáo gồm: thông tin về việc duy trì xả dòng chảy môi trường; công tác theo dõi, báo cáo quá trình duy trì dòng chảy môi trường về cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất liên quan… tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Cũng theo Sở Công Thương Đắk Nông, Sở đang tăng cường kiểm tra, giám sát việc phối hợp điều tiết nước hồ chứa các công trình thủy điện, đảm bảo sử dụng nguồn nước hiệu quả, giảm thiệt hại đối với sản xuất, kinh doanh phát điện và nhu cầu sử dụng nước hạ du của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, là việc chấp hành duy trì xả dòng chảy môi trường sau đập nhà máy thủy điện thời gian qua.
Như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, vào tháng 4 vừa qua, hạ nguồn nhiều đập thủy điện tại Đắk Nông thường xuyên trơ đáy, cạn khô. Điển hình, thủy điện Đắk R’tih, thủy điện Đắk Nông 2… Thực trạng này gây nhiều hệ lụy nguy hại về môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho người dân vùng hạ lưu.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thủy điện đều phải duy trì một dòng chảy môi trường sau đập. Mục đích của việc duy trì dòng chảy tối thiểu là cung cấp một chế độ dòng chảy nước thích hợp về số lượng, chất lượng và thời gian duy trì các dòng sông, suối và hệ sinh thái thủy sinh khác.
Liên quan tới nội dung này, cuối tháng 4/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước tưới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp sở, ngành liên quan đảm bảo việc vận hành phát điện tại các nhà máy thủy điện hài hòa với việc đảm bảo nước sinh hoạt và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước khác của người dân; thực hiện vận hành, phát điện, duy trì dòng chảy môi trường theo đúng phương án, quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.