Dịch COVID-19 đang tác động lớn đến việc làm, đời sống người lao động

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 đang tác động lớn đến thị trường lao động, việc làm. Nhất là gần đây, dịch COVID tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH yêu cầu các Sở LĐTBXH địa phương sớm triển khai Nghị quyết 68.

Đó là nhận định của ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg vào ngày 14/7 tại Hà Nội.

Theo Tổng cục Thống kê, những tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp là 2,42 %, tỷ lệ thiếu việc làm là 2,6 %. Riêng khu vực phi chính thức là trên 60 %. Lao động tự do bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những khu vực đô thị.

Các lĩnh vực đã bị ảnh hưởng lớn từ năm 2020, nay lại càng chịu tác động sâu hơn. Điều này khiến đời sống người lao động càng khó khăn, nhất là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giao thông, du lịch…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đợt dịch lần thứ 4 đang xâm nhập vào khu vực công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đây là khu vực cơ bản, chiếm 3,8 triệu lao động trong tổng số 11 triệu lao động trực tiếp trong cả nước. Thống kê đến nay, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động, tại Bắc Ninh ảnh hưởng 40.000 lao động… Khoảng 2 tuần gần đây, dịch ảnh hưởng lớn tới TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Vũng Tàu… Tại các tỉnh thành phía Nam đang ghi nhận tình trạng gia tăng người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần.

"Những tác động trên là vô cùng lớn. Điều này cho thấy vấn đề đời sống việc làm đặt ra những gánh nặng lớn trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất lớn. Dư luận đồng tình với những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, Bộ đã chủ động hơn trong việc đề xuất báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội…Trên cơ sở đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg …", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Chú thích ảnh
Các điểm cầu trực tuyến tại các địa phương.

Về thủ tục, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đã giảm thủ tục xét duyệt hỗ trợ từ 25 ngày xuống còn 5 ngày của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều thủ tục khác giảm từ 40 ngày xuống còn 7 ngày.

Thống kê tới ngày 14/7, Bộ LĐTBXH đã nhận được 33/63 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của các tỉnh, thành. Nhiều tỉnh, thành và BHXH VN, Ngân hàng chính sách xã hội triển khai nhanh sau vài ngày từ khi có Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, trong 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã triển khai giải ngân khoảng 100 tỷ đồng, 226.000 lao động tự do sẽ được giải ngân xong việc hỗ trợ trong ngày 14/7. Từ 15/7, TP Hồ Chí Minh chuyển sang hỗ trợ đối tượng người lao động có hợp đồng lao động. Dự kiến 30/7, việc hỗ trợ theo kế hoạch của thành phố sẽ hoàn thiện.

Còn ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khẳng định: Trong Nghị quyết 68, có 3 nội dung liên quan trực tiếp lĩnh vực BHXH. Đơn vị đã quyết liệt rút gọn thủ tục xuống 1 ngày thông qua khai thác ngay cơ sở dữ liệu hiện có của doanh nghiệp, ưu tiên chính sách "dễ thì làm trước" để đối tượng thụ hưởng nhanh nhất. Về mặt thủ tục, BHXH Việt Nam sẽ không yêu cầu doanh nghiệp và người lao động bổ sung hồ sơ so với những gì đã quy định tại Quyết định 23. BHXH đề nghị Bộ LĐTBXH chỉ đạo các đơn vị phối hợp với bảo hiểm xã hội để thống nhất triển khai, tháo gỡ các vướng mắc kip thời.

Ông Trần Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Trong 3 đợt dịch bùng phát trước, đã có trên 250.000 lao động được hỗ trợ, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn. Làn sóng dịch thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến công nhân. Theo thống kê, có 10.000 ca nhiễm COVID-19 là công nhân, chiếm 31% tổng số ca lây nhiễm, 500.000 công nhân nghỉ việc, giãn việc. Con số này còn tăng lên từng ngày.

“Từ 19/5, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành chính sách chi hỗ trợ khẩn cấp cho lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Theo đó, công đoàn viên diện F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng, cách ly được hỗ trợ 500.000 đồng. Đến nay, công đoàn các cấp đã hỗ trợ trên 113 tỷ đồng, phát động chương trình vaccine cho công nhân, Quỹ vaccine tấm lòng vàng 150 tỷ đồng. Tổng Liên đoàn lao động cũng đề xuất cho doanh nghiệp hạch toán chi phí mua vaccine vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chỉ đạo: Trong thời gian tới, lấy an toàn cho người dân là trên hết, không để ai bị đói, quan tâm người nghèo, yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn nên việc triển khai NQ 68 và Quyết định 23, các địa phương phải khẩn trương, tập trung triển khai hỗ trợ ngay. Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ là đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân. Khu công nghiệp chỉ khi nào thực sự an toàn mới sản xuất kinh doanh, không an toàn thì dừng hoạt động và thực hiện 3 tại chỗ với phương án giãn cách an toàn. Bộ LĐTBXH sẽ cùng với VCCI, Tổng Liên đoàn lao động sẽ có văn bản chuyên đề về hướng dẫn an toàn trong khu công nghiệp.

“Địa phương phải chủ động chính sách với lao động tự do, linh hoạt kinh phí hình thức hỗ trợ, bên cạnh tiền hỗ trợ bằng ATM gạo, siêu thị 0 đồng…. Các chính sách hỗ trợ người lao động đã ban hành đã đơn giản tối đa thủ tục nên địa phương không thêm thủ tục mà chỉ bớt đi. Các địa phương lập danh sách lao động tự do bị ảnh hưởng tại địa phương và phát tiền hỗ trợ theo nơi họ đang cư trú”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo.

Chú thích ảnh
XC/Báo Tin tức
Muốn vay vốn trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất cần thủ tục gì?
Muốn vay vốn trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất cần thủ tục gì?

Bạn đọc hỏi: Doanh nghiệp của tôi muốn vay vốn trả lương cho người lao động phục hôi sản xuất, kinh doanh thì cần điều kiện và thủ tục như thế nào? nộp ở đâu?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN