Dịch COVID-19: Chính quyền quyết liệt - Người dân đồng tình

Nằm ở khu vực giáp ranh với thành phố Đà Nẵng, có lượng lớn người qua lại, giao lưu trên nhiều phương diện, các huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã thực hiện các biện pháp mạnh nhất theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Một trong những tuyến phố cổ nổi tiếng của thành phố Hội An, Quảng Nam đìu hiu trước giờ thực hiện giãn các xã hội. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Không chỉ tiếp giáp về địa lý, thị xã Điện Bàn còn là cửa ngõ phía Nam của thành phố Đà Nẵng với hàng nghìn người qua lại mỗi ngày và hơn 1.500 công nhân từ Đà Nẵng vào làm việc tại các khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Đến ngày 30/7, thị xã Điện Bàn có 4 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó có 1 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quảng Nam, 3 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Thị xã Điện Bàn còn có 68 công dân thuộc diện đang cách ly y tế  tập trung, 346 trường hợp đang cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Do vậy thị xã Điện Bàn áp dụng các biện pháp cách ly cao nhất theo tinh thần Chỉ thị số 16/ CT-TTg  và 19/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đối phó với dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: Ngoài các chốt chặn của tỉnh, thị xã Điện Bàn còn thành lập 3 tổ chốt chặn trên các tuyến giao thông quan trọng đi vào thành phố Đà Nẵng để kiểm tra, ngăn chặn xâm nhập của dịch bệnh. Thị xã Điện Bàn đã thành lập 2 cơ sở cách ly y tế tập trung tại Trường Đại học Phan Chu Trinh và Phân viện Trường Đại học Nội vụ tại Quảng Nam, đảm bảo chỗ cách ly cho gần 300 người. Nơi đây cũng đồng thời chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly mới nhằm đảm bảo công tác cách ly tập trung trên địa bàn khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.

Tỉnh Quảng Nam thực hiện cách ly xã hội tại thành phố Hội An trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 31/7 sau khi có một số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Thành phố Hội An đã phong tỏa; triển khai 5 chốt chặn các lối ra vào tại khu phố An Hội, phường Minh An để phòng, chống dịch ngay trong sáng 30/7.

Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ một cơ sở du lịch ở thành phố Hội An chia sẻ: Sau đợt dịch COVID-19 trước, hoạt động du lịch ở thành phố Hội An đã khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19  bùng phát trở lại, nhà nước đề nghị tạm dừng các hoạt động du lịch thì người dân nghiêm chỉnh chấp hành để bảo vệ an toàn cho cả cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Quảng Nam nhấn mạnh: Thành phố đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, thành phố tạm dừng các hoạt động kinh doanh du lịch để ngăn ngừa dịch bệnh; tạm dừng tất cả các hoạt động du lịch, không tổ chức bán vé tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng như Chùa Cầu, các tuyến phố cổ, không đưa khách tham quan biển đảo Cù Lao Chàm, các làng nghề truyền thống, khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thực hiện các biện pháp mạnh để phòng tránh dịch lây lan.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở vùng giáp ranh với thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết: Cùng với việc giãn cách xã hội tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, nhất là các địa phương giáp ranh với thành phố Đà Nẵng triển khai nhiệm vụ đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa dịch bệnh. Các doanh nghiệp sử dụng lao động đến từ thành phố Đà Nẵng vào làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải có giải pháp phù hợp để vừa đảm bảo sản xuất, quản lý lao động  tại chỗ nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Các biện pháp mạnh nhất theo tinh thần Chỉ thị số 16/ CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch đang được tỉnh Quảng Nam quyết liệt thực hiện nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn vùng giáp ranh với thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh.

Chủ động cách ly

Đắk Lắk đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 29/7. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 6592 triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó yêu cầu không tụ tập quá 20 người (ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện) từ 0 giờ ngày 30/7. Chủ trương này đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.

“Nhà có con học ở Đà Nẵng về, đã đi khai báo y tế và tự cách ly tại nhà. Hàng xóm vui lòng không ghé chơi – Quán tạm nghỉ đóng cửa từ ngày 29/7 đến ngày 11/8/2020. Xin cảm ơn” – Đây là dòng chữ được treo ở cửa nhà người dân ở tổ dân phố 1, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù việc kinh doanh quán cà phê, nước giải khát, góp phần mang lại thu nhập khá để nuôi 3 đứa con ăn học, song gia đình này vẫn quyết định tạm dừng kinh doanh, chủ động cách ly 14 ngày. Khi những hình ảnh chụp ngôi nhà này cùng dòng chữ trên lan truyền trên mạng xã hội, đã nhận được những lời khen ngợi, cảm ơn của người dân Đắk Lắk nói riêng, cộng đồng mạng nói chung vì đã có “hành động đẹp”, “hành động đáng học hỏi”, “hành động của một gia đình văn hóa, ý thức cao vì cộng đồng xã hội”

Em Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cho biết khi dịch COVID-19 trở lại, Thủy có ý định ở lại Đà Nẵng, song ký túc xá của trường đã được trưng dụng làm nơi cách ly, sinh viên được khuyến khích về quê. Khi về, Thủy đã chủ động đến Trạm y tế thị trấn Quảng Phú để khai báo y tế. Cha mẹ Thủy chuẩn bị sẵn gạo, thức ăn… dự trữ để cả gia đình cách ly 14 ngày, đảm bảo an toàn cho  người thân và người xung quanh. Việc đóng cửa, tạm dừng kinh doanh ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu, song gia đình vẫn lựa chọn cách ly vì an toàn sức khỏe là ưu tiên hàng đầu.

Ghi nhận trong ngày 30/7, lượng người dân di chuyển trên các tuyến đường trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đã giảm nhiều so với ngày thường. Một số cửa hàng kinh doanh nước uống, cà phê chủ động đóng cửa, tạm dừng kinh doanh. Chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột thỉnh thoảng có một vài người qua lại, không tấp nập như ngày thường. Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách giảm đáng kể.

Tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, một trong những địa điểm thu hút đông khách du lịch, ngày 30/7 chỉ có 2/14 gian hàng hoạt động, chủ yếu bán mang về hoặc giao hàng tận nơi. Các gian hàng khác chủ động đóng cửa, tạm dừng kinh doanh. Giám đốc đường sách cà phê Buôn Ma Thuột Trần Tấn Vinh cho biết, từ khi dịch tái phát trở lại ở Đà Nẵng, lượng khách du lịch đến đường sách giảm rõ rệt, 3 ngày gần đây là vắng hẳn.

Anh Võ Đức Hoàng, xã Ea Mnang, huyện Cư M’Gar cho biết, gia đình anh ủng hộ và hoan nghênh chủ trương của tỉnh là không tụ tập quá 20 người ở cùng một nơi và cùng một thời điểm. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở kinh doanh nước giải khát, cà phê vẫn còn tình trạng đông người dân ngồi tụ tập uống nước, nói chuyện, có những bàn 2 – 3 người ngồi gần nhau và không đeo khẩu trang.

Về việc kiểm soát người về từ vùng dịch, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát toàn bộ người dân từ vùng dịch về, hướng dẫn khai báo y tế và cách ly tại nhà. Đồng thời, tỉnh dừng hoạt động vận chuyển khách đi, đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 28/7. Riêng các chốt chặn, các địa phương có đông người từ vùng dịch trở về sẽ chủ động thành lập, chốt chặn kiểm soát y tế và lượng người về từ vùng dịch, hiện nay tỉnh chưa xem xét khởi động lại các chốt chặn cấp tỉnh.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa

Phó Giám đốc Siêu thị Coopmart Buôn Ma Thuột Trần Thị Thành Nhân cho biết, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong đợt dịch này, đơn vị đã đề xuất với tổng kho tăng thêm lượng hàng hóa về. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, lượng hàng hóa dự trữ khá nhiều khiến siêu thị sau đó phải chuyển hàng cho các siêu thị khác bán, lần này đơn vị chỉ dự trữ lượng hàng hóa tăng 25% so với ngày thường, tự tin sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong đợt dịch. Về phía khách hàng, người dân đã có kinh nghiệm, yên tâm hơn vì hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều hệ thống siêu thị như Coopmart, Vinmart, Go BigC, Bách hóa xanh, cửa hàng tự chọn, chợ truyền thống… phân bố rải rác nên không lo thiếu hàng hóa, do đó không còn tình trạng người dân chen chúc thu mua, tích trữ hàng hóa khi nghe tỉnh có ca nhiễm đầu tiên.

Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cũng đã có kế hoạch chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực hiện phương án bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng thêm lượng hàng hóa từ 5 – 10% nhóm mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân trên địa bàn; đồng thời có phương án kêu gọi người dân mua hàng qua các kênh bán hàng online của các siêu thị, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương phải đảm bảo đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian phòng, chống dịch; ký cam kết với các siêu thị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không găm hàng, không tăng giá trong bất kỳ tình huống nào. Nếu phát hiện có trường hợp tăng giá, ghim hàng, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm.

Đoàn Hữu Trung - Thu Hoài (TTXVN)
Ghi nhận thêm 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Quảng Nam
Ghi nhận thêm 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Quảng Nam

Tính đến 18 giờ ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19 tại Quảng Nam, nâng tổng số mắc lên 464 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN