Trong hai ngày hai đêm trong hành trình ra đảo, ngày đầu tiên chúng tôi còn thấy thuyền cá ngư dân tấp nập, tối đến đèn thuyền sáng như thành phố trên biển. Đến đêm thứ hai, xung quanh mịt mù, đường chân trời tịnh không một bóng đèn khiến những người đi biển lần đầu thấy lẻ loi. Nhiều người thốt lên: “Ước gì thấy thuyền cá của ngư dân nhỉ, ít nhất cũng thấy bạn đồng hành”. Trong mênh mông của biển cả, chỉ cần nghe ai đó bảo kia kìa, có ánh đèn của thuyền cá là ai cũng thấy ấm lòng. Giữa mênh mông sóng nước, có bạn đồng hành thật quý. Đó cũng là tâm sự của những người lính biển, càng có nhiều tàu cá đánh bắt khu vực phía quần đảo Trường Sa, cũng có nghĩa vừa có bạn đồng hành, vừa khai thác tiềm năng về ngư trường lớn tại Trường Sa.
Nơi trú bão
Trong hơn 9 đảo chúng tôi có dịp đặt chân đến, đảo Đá Tây được đánh giá là nơi có điều kiện khai thác, đánh bắt nuôi trồng hải sản. Nằm cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 20 hải lý về phía Đông Bắc, đảo Đá Tây có hình quả trám, ở giữa có một cái hồ, độ sâu không đều.
Trạm tiếp xăng dầu cho ngư dân ở đảo Đá Tây. Ảnh: Xuân Cường |
Hồ Đá Tây có viền san hô bao quanh dài 15 km, rộng trung bình 5 km, độ sâu 5-20 m. Phía Tây Nam có luồng vào, cho tàu dưới 1.000 tấn vào neo đậu, tránh gió bão và làm nghề cá. Lòng hồ có 7 phao neo, tiện cho tàu neo đậu tránh gió bão và làm dịch vụ hậu cần nghề cá, Thiếu tá Đỗ Văn Quảng, chỉ huy trưởng đảo Đá Tây cho biết: Với lợi thế là nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú sóng lớn, gió bão, trong những năm gần đây, bên cạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ chiến sĩ, với nòng cốt là Trạm dịch vụ hậu cần, đã là nơi cung ứng dầu, thực phẩm và các hàng hóa khác, phù hợp về giá cả, nhiệt tình trách nhiệm, sửa chữa tàu thuyền miễn phí, với tinh thần hỗ trợ ngư dân tốt nhất. “Đảo là chỗ dựa vững chắc cho tàu thuyền ngư dân khai thác đánh bắt trên vùng biển của ta, thu hút nhiều tàu thuyền của ngư dân ra với biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của ta, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân”, thiếu tá Đỗ Văn Quảng khẳng định.
Đoàn công tác của Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương giao lưu văn nghệ cùng các chiến sĩ đảo Đá Tây (tháng 4/2012). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Thiếu úy Nguyễn Như Thiện, đảo Trường Sa Đông cho biết: “Cứ khi biển động sóng to, gió lớn, bão là ngư dân đều hướng về khu Đá Tây trú bão trong lòng hồ. Nhiều hôm từ vọng gác Trường Sa Đông nhìn về Đá Tây, ánh đèn tàu cá xếp thành hàng trông như một thành phố trên biển. Đó cũng là nguồn động viên đối với những người lính canh biển như chúng tôi, có tàu cá đồng nghĩa có những người bạn đồng hành và chủ quyền được khẳng định”.
Hỗ trợ tối đa cho ngư dân
Thiếu tá Đỗ Văn Quảng nói: Đá Tây đang là điểm tựa an toàn cho ngư dân bám biển. Đảo luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tàu ngư dân vào tránh sóng gió lớn, bão. “Có những đợt biển động, một ngày có gần trăm lượt tàu vào lòng hồ tránh bão. Khi ngư dân vào đảo, chúng tôi đều tiếp cận thăm hỏi và hỗ trợ tốt nhất cho ngư dân; tuyên truyền cho ngư dân ra đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền của ta. Năm sau, ngư dân ra đảo đánh bắt cao hơn năm trước. Đồng thời, chúng tôi cũng làm tốt công tác dân vận, nhất là việc khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường; tăng cường đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa ngư dân và ngư dân; sẵn sàng tương trợ nhau trong mọi điều kiện”. Từ năm 2011 đến nay, đảo đã hỗ trợ ngư dân hàng nghìn lít nước ngọt; khám chữa bệnh cho ngư dân được 311 lượt người, 2 ca cấp cứu. Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá cung ứng cho tàu ngư dân 490 m3 dầu; 26 tấn lương thực thực phẩm. Số lượng tàu vào sửa chữa là 22 lượt chiếc.
Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân nêu rõ: Hỗ trợ cho ngư dân, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân trên biển là nhiệm vụ của người lính biển. Luôn lấy dân làm gốc và làm sao quây quần được ngư dân. Với lợi thế của Đá Tây, chúng ta đang xây dựng tại đây những điểm mẫu về dịch vụ hậu cần nghề cá phía nam quần đảo Trường Sa nhằm hỗ trợ mức tối đa cho ngư dân.
Xuân Cường
Bài 3: Những chiến sĩ áo trắng trên đảo