Hệ thống cấp nước sạch tập trung xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Ông Đỗ Văn Thành - Vụ trưởng Vụ quản lý nguồn nước, Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, mục tiêu đến năm 2020 có 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 55% dân số được sử dụng nước sạch.
Theo ông Đỗ Văn Thành, để đạt mục tiêu này cần tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước, xã hội hoá. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, kêu gọi hỗ trợ vốn từ các tổ chức quốc tế. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vay với mức ưu đãi.
Ngoài ra, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thiết bị cấp ước nhỏ lẻ; đẩy mạnh ứng dụng tự động hoá điều hành, kiểm soát chất lượng nước; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, kết hợp hài hoà giữa năng lượng tái tạo và điện năng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước; ứng dụng công nghệ cấp nước nhỏ lẻ, giảm giá thành, công nghệ đơn giản, dễ sửa chữa...
Theo ông Lương Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Bởi khu vực này rất khó kêu gọi thu hút đầu tư từ bên ngoài. Do đó, thời gian tới rất cần thúc đẩy xã hội hoá, thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp để tăng số lượng công trình nước sạch cho khu vực này.
Trung tâm sẽ hỗ trợ, phối hợp để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư vào nước sạch nông thôn; hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cải thiện lượng nước hộ gia đình an toàn, bền vững...
Đồng bào Raglai ở xã Phước Thắng (tỉnh Ninh Thuận) đã được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hoàng Văn Thắng cho biết, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang gặp nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu, ảnh hưởng bởi nguồn nước từ thượng nguồn... đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới. Hội thảo lần này nhằm đánh giá lại những kết quả đã đạt được thời gian qua, đồng thời phân tích những hạn chế để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Năm 2017, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được các cấp, các ngành quan tâm, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được những công trình nước sạch có tính đột phá. Đồng thời tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Đặc biệt, đã có nhiều doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tình trạng biến đối khí hậu đang đe doạ nghiêm trọng về nguồn nước; trong trường hợp xảy ra thiên tai, nhiều nơi khó tiếp cận nguồn nước. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, quản lý nguồn nước tại khu vực miền núi, Tây Nguyên kém hiệu quả và chậm có giải pháp khắc phục. Do vậy, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, thông qua hội thảo, các đại biểu phân tích, đề ra giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Năm 2016, có 87,5% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó, gần 49% đạt QCVN 02:2009/BYT - Quỹ chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt. Các địa phương có tỷ lệ 100% nước hợp vệ sinh gồm: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.