Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” (gọi tắt là chương trình 71), số lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài mới đạt 30% so với mục tiêu đề ra. Chương trình có số vốn hỗ trợ lên tới nghìn tỷ đồng, từng được nhìn nhận như là đòn bẩy để hỗ trợ người dân huyện nghèo thoát nghèo, nhưng kết quả trên rõ ràng chưa như mong đợi.
“Chưa thông” về tâm lý
Nhà có 10 anh chị em, gia đình anh Giàng A Tắc, dân tộc Mông (xã Xín Chéng, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai) là hộ nghèo của xã. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2010, anh Giàng A Tắc đăng ký đi tu nghiệp sinh ở Nhật Bản theo chương trình 71. “Tôi được đào tạo, học tập và tìm hiểu văn hóa Nhật trong 6 tháng, được hỗ trợ nên tôi không phải vay vốn ngân hàng. Tôi làm nghề thợ xây dựng, thu nhập khoảng 30 triệu/tháng. Sau khi đi lao động trở về, tôi tích góp được khoảng 600 triệu đồng. Hiện tôi mua xe tải khoảng 450 triệu đồng để chở thuê và đang làm nhà ven đường để kinh doanh vật tư nông nghiệp”, anh Tắc cho biết.
Dù chương trình 71 có nhiều ưu đãi như được vay vốn lãi suất thấp, miễn toàn bộ chi phí học nghề, ngoại ngữ, ăn ở, đi lại… nhưng không phải người nghèo nào cũng sẵn sàng xa nhà để ra nước ngoài làm việc. Nhiều người sau khi đăng ký đã bỏ giữa chừng với nhiều lý do như mẹ già, con nhỏ, gia đình không cho đi làm xa. Hoặc có người đã đi xuất khẩu nhưng không quen tác phong công nghiệp nên bỏ dở hợp đồng về nước… Chị Nguyễn Thị Hòa (xóm Bến Gạo, xã Văn Luông, huyện Tân sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Tham khảo mấy người trong xã đi lao động xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) đều thoát nghèo, có tích lũy. Tôi đăng ký làm công nhân nhưng khi làm thủ tục thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động bố trí theo đơn hàng làm giúp việc nên không muốn đi nữa, một phần vì chồng không muốn cho đi”.
Theo ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai, xuất khẩu lao động được các cấp chính quyền quan tâm và coi đây là một trong những giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là ở 3 huyện nghèo là Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà. Những người đã đi xuất khẩu lao động, tu chí làm ăn thì về cơ bản đều có thu nhập tốt, có tích lũy, trả nợ ngân hàng và tái đầu tư sản xuất, nhất là những người đi lao động xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Tuy nhiên, cũng không ít lao động bỏ dở giữa chừng do không chịu được áp lực công việc. Trong 5 năm qua, số lao động của tỉnh đi xuất khẩu chỉ có khoảng 500 người, đạt 20% so với mục tiêu đề ra.
Đến cuối năm 2014, chương trình 71 đã đi được nửa chặng đường với hơn 20.000 người đăng ký tham gia, nhưng chỉ có gần 10.000 người đi làm việc tại các thị trường Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đạt 30% so với mục tiêu đề ra. Tính bình quân, mỗi huyện nghèo chỉ có 161 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Số người đăng ký đi xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo giảm dần trong 2-3 năm gần đây. Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Giang nêu thực tế: Hàng năm, cả tỉnh chỉ có khoảng 30- 40 người đi xuất khẩu lao động. Có nhiều trường hợp, khi tuyên truyền rất phấn khởi, nhưng khi học tiếng, học nghề, làm tất cả các thủ tục xuất cảnh rồi cũng bỏ về với lý do nhớ nhà, không chịu được áp lực làm việc theo tác phong công nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐTBXH, nguyên nhân khiến xuất khẩu lao động tại huyện nghèo không đạt mục tiêu là trình độ văn hóa, tay nghề, tình trạng sức khỏe của nguồn nhân lực tại vùng này còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng sơ tuyển ở mức cao (33,5%). Người lao động cũng không muốn xa gia đình, chưa chấp nhận ngay nhịp sống làm việc trong khuôn khổ tổ chức, quản lý thời gian chặt chẽ, cường độ lao động khẩn trương. Tỷ lệ lao động bỏ trong thời gian đào tạo và xuất cảnh khá cao: Tỷ lệ bỏ trong thời gian đào tạo trung bình 18% , một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ học cao như Phú Thọ (59%), Lâm Đồng (44%), Nghệ An (29%), Yên Bái, Ninh Thuận (25%), Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ngãi (trên 20%). Tỷ lệ bỏ không xuất cảnh sau khi được đào tạo trung bình 21%.
Cùng với đó là thủ tục hành chính, việc vay vốn ngân hàng một số nơi còn phức tạp ảnh hưởng lớn đến lịch trình của lao động xuất cảnh. Đồng thời, một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy trình đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động, nên nhiều người khi ra làm việc ở nước ngoài không đáp ứng được yêu cầu công việc, bị chủ sử dụng trả lương thấp hơn hợp đồng.
Do việc đưa lao động tại huyện nghèo gặp nhiều khó khăn, chi phí cao dẫn đến thua lỗ nên hiện chỉ còn chưa tới 10 doanh nghiệp tiếp tục chương trình 71, giảm khá nhiều so với hơn 30 doanh nghiệp tham gia khi mới triển khai.
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cần sớm thay đổi mạnh mẽ cách triển khai để Quyết định 71 phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Mấu chốt vẫn là việc tạo nguồn lao động. Doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng nhưng lại thiếu nguồn tốt để tuyển chọn. Do đó, thời gian tới đây, địa phương sẽ tham gia tư vấn cho lao động, và cùng với doanh nghiệp đào tạo lao động; doanh nghiệp đưa lao động huyện nghèo đi dù là bất cứ hợp đồng nào, đi cùng với lao động ở những vùng khác cũng sẽ được thanh toán chi phí, không cần phải đi theo nhóm hợp đồng riêng biệt như trước. Bộ cũng xem xét để quy trình thanh toán cho doanh nghiệp tham gia đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hướng đơn giản, gọn nhẹ hơn; thực hiện quy trình giám sát “đầu ra” chặt chẽ hơn, thay vì kiểm soát “đầu vào” bằng quá nhiều thủ tục như hiện nay. Đồng thời, sẽ kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm những doanh nghiệp để xảy ra rủi ro đối với người lao động mà không xử lý kịp thời.
Xuân Minh - Thanh Thanh