Tham dự hội thảo có Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học cùng đông đảo các nhà khoa học, các giảng viên đang công tác tại các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và quản lý Nhà nước về dân tộc, các lĩnh vực có liên quan đến dân tộc tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước. Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cho biết, lý luận về dân tộc, nhất là quan hệ giữa các tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc cũng như thực hiện chính sách dân tộc, chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dựa trên những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn và bài học kinh nghiệm trên thế giới. Các nội dung cốt lõi được xác định bao gồm: Đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của Cách mạng Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
Tuy nhiên, do sự đa dạng về thành phần, nguồn gốc lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo…, theo Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, vấn đề dân tộc trên thế giới cũng như ở nước ta luôn vận động, phát triển với những nội dung, nội hàm mới, nhất là về ý thức tộc người, quyền và nghĩa vụ của các tộc người, quan hệ dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc, phong phú về tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó, có những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ở một số tộc người, tại một số địa bàn, có thể tác động tới tình hình an ninh, chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.
"Vì vậy, mục đích của hội thảo này nhằm tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận và thực tiễn về tộc người, trong xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc, chiến lược đại đoàn kết dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam", Tiến sỹ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Bàn về mạng xã hội, tộc người ở Việt Nam và nhân học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sửu, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, có 3 quan điểm về nhân học, theo đó trên phương diện kết hợp nghiên cứu mạng xã hội và tộc người ở Việt Nam mở ra một hướng khám phá mới về mối quan hệ giữa mạng xã hội và tộc người trong kỷ nguyên số. Trên phương diện tiếp cận nghiên cứu, song hành với các tiếp cận dân tộc học truyền thống, các tiếp cận dân tộc học mới gắn với Internet đã tạo nên một bước ngoặt trong cách tiếp cận dân tộc học nói riêng, trong nghiên cứu nhân học và các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Còn trên phương diện ứng dụng chính sách, kết hợp phân tích mạng xã hội và tộc người để thấu hiểu thực tiễn sử dụng mạng xã hội của các cộng đồng tộc người giúp các nhà nhân học có thêm cơ hội đóng góp cho ứng dụng chính sách trong kỷ nguyên số.
Khuyến nghị chính sách phát triển sinh kế tộc người ở vùng biên giới Việt Nam - Lào tại tỉnh Quảng Nam, Tiến sỹ Trần Hồng Thu, Viện Dân tộc học cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển riêng cho vùng biên giới, tận dụng điều kiện tự nhiên và văn hóa đặc thù để nâng cao đời sống cư dân; cần rà soát, đơn giản hóa các văn bản quản lý, đảm bảo hiệu quả triển khai chính sách và sớm cấp nguồn ngân sách cho địa phương. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, để kết nối vùng biên giới với các khu vực nội địa; có chính sách thu hút doanh nghiệp đến tổ chức sản xuất trên địa bàn, kết nối liên kết chuỗi giá trị và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của người dân.
Cùng với đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã và tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, từ đó tạo động lực bền vững cho sự phát triển toàn diện của vùng biên giới. Các chính sách cần phát triển dựa trên các thế mạnh của tộc người để động viên, khích lệ người dân tham gia sản xuất, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị, hình thành các vùng nguyên liệu và sản xuất hàng hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận một số nội dung như: Hạn chế của một số chính sách phòng, chống thiên tai ở vùng dân tộc thiểu số nước ta; tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số - một số vấn đề cần quan tâm... Từ đó, các đại biểu thảo luận, bổ sung các luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện và thực hiện thực chất, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc.