Để Việt Nam không còn tác động của bom mìn - Bài cuối: Giúp nạn nhân ổn định, hòa nhập cộng đồng ​

Cùng với rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn.

Họ được thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, trợ giúp nhu cầu chỉnh hình, phục hồi chức năng. Nạn nhân bom mìn được tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu.

Sự trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng như đào tạo nghề, dịch vụ việc làm… đã phần nào đáp ứng nhu cầu của nạn nhân bom mìn, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế.

Đảm bảo quyền bình đẳng

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên của dự án lắp cánh tay giả cho anh Trần Đình Thêu, thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), nạn nhân bị tai nạn do bom mìn. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 -2021 đã thông qua 3 luật sửa đổi, bổ sung, trong đó có lồng ghép các quy định để bảo vệ quyền của người khuyết tật, gồm: Luật Kiến trúc, Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động. Ngày 1/11/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 383/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật. Các bộ, ngành ban hành 9 thông tư, 6 quyết định và nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế.

Các văn bản quy phạm pháp luật này đã đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền bình đẳng tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Họ được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật.

Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho thấy, hiện nay, toàn bộ các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học. Năm 2019, gần ba triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 01/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, triển khai các chính sách trợ giúp xã hội với người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học.

Hàng tháng, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 nghìn tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Đến nay, cả nước có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Trên 10 vạn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Nhiều trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm 

Chú thích ảnh
Anh Bồn Văn Chẩu (sinh năm 1986), nạn nhân bom, mìn ở thôn Nặm Tà, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang kiểm tra sức khỏe và thương tật tại Trung tâm Y tế xã Thanh Đức. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trong chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học, năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đồng thời, Luật Bảo hiểm y tế  được sửa đổi, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển hệ thống y tế lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Đề án này tập trung các mục tiêu phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Kết quả cho thấy, gần 6.500 người khuyết tật đã được hỗ trợ cấp dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng. 8.000 trẻ dưới 6 tuổi và 25.000 người được sàng lọc nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe.

Hiện cả nước có hơn 1,6 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có hơn 9 vạn trẻ khuyết tật nặng bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học có khả năng học tập được đi học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông. Đối với giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, thời gian qua, hơn 2 vạn người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn,  đã được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước. Cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, trong đó có khoảng 10% là người khuyết tật, nạn nhân bom mìn.

Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn đang tích cực phát triển. Hiện toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 73 cơ sở chăm sóc cho người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học và 45 Trung tâm Công tác xã hội chuyên biệt. Mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những người khuyết tật. Các tỉnh, thành phố trên cả nước từng bước chuyển đổi hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với các đối tượng cần trợ giúp xã hội, bao gồm nạn nhân bom mìn. Hiện, toàn quốc có hàng trăm cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, trong đó có 7 bệnh viện chỉnh hình và hai trung tâm phục hồi chức năng. 

Tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống

Chú thích ảnh
Tổ chức RENEW và Viện Humpty Dumpty Institute (tổ chức phi Chính phủ tại Mỹ) tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi cho gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng bom, mìn trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (2/2012). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đánh giá về kết quả hỗ trợ nạn nhân bom mìn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam hiện nay khoảng 800 nghìn tấn, nằm rải rác trên tổng diện khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 4 vạn người chết, 6 vạn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Trước thực trạng này, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khắc phục hậu quả bom mìn và quan tâm và hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn gây ra. Các công việc này đã và đang được các bộ, ngành và các địa phương tích cực triển khai, trong đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện đã đem lại nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.

Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra kế hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch này tập trung vào 5 mục tiêu cụ thể với 6 hoạt động chính, trong đó có hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật. Các tỉnh, thành phố trọng điểm về ô nhiễm bom mìn sẽ tiến hành hỗ trợ mô hình sinh kế. Mô hình tập trung vào hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chật… để giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, vật liệu tổ chức lao động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tín dụng để sản xuất kinh doanh.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Để Việt Nam không còn tác động của bom mìn - Bài 1: Nỗ lực khắc phục hậu quả
Để Việt Nam không còn tác động của bom mìn - Bài 1: Nỗ lực khắc phục hậu quả

Bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hằng ngày đối với nhiều người dân tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN