Cụ thể, trong 5 năm qua, tỉnh có 57 chương trình, dự án do các tổ chức quốc tế hỗ trợ để khắc phục hậu quả bom mìn, với tổng kinh phí đã vận động được và ký kết lên đến 65 triệu USD. Ngoài khảo sát và rà phá diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, các chương trình, dự án này còn thu gom và xử lý an toàn hơn 142.000 bom mìn và vật nổ các loại, tiến hành gần 5.500 vụ xử lý lưu động bom mìn từ thông tin của người dân. Tỉnh Quảng Trị cũng đã có trên 565.000 lượt học sinh được thông tin tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; 240 lượt nạn nhân bom mìn được hỗ trợ cải thiện sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước, với 82% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương. Kể từ năm 1995, tỉnh Quảng Trị bắt đầu hợp tác với các tổ chức quốc tế, triển khai hoạt động làm sạch bom mìn. Peace Trees VietNam - Cây Hòa Bình Việt Nam (PTVN) là tổ chức phi Chính phủ của Hoa Kỳ đầu tiên, được cấp phép vào năm 1995 và triển khai hoạt động rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị. Đây là sự khởi đầu cho một loạt hoạt động hợp tác quốc tế, khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị thông qua các tổ chức phi Chính phủ như: Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG), Tổ chức phi lợi nhuận Clear Path International (CPI), Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA)...
Quảng Trị đang hướng đến là tỉnh đầu tiên của Việt Nam "an toàn" không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, ước tính mỗi năm tỉnh cần thêm khoảng 10 - 12 triệu USD.
Theo bà Nguyễn Triều Thương - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị: Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, vận động nguồn viện trợ, để có nguồn lực triển khai các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn trong những năm tới. Để trong tương lai không xa, Quảng Trị có thể tự giải quyết có hiệu quả và bền vững, vấn đề ô nhiễm bom mìn do chiến tranh để lại, đồng thời triển khai mô hình "quản lý rủi ro" sau năm 2025.