Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu bình quân mỗi năm rà phá được khoảng 3.000 ha đất ô nhiễm bom mìn; vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 10 triệu USD/năm để khắc phục hậu quả bom mìn; hoàn thành 100% hoạt động khảo sát bom chùm và công bố các khu vực xác định nguy hiểm do ô nhiễm bom mìn. Hằng năm, có 60.000 lượt người được tiếp cận chương trình giáo dục phòng, tránh bom mìn; từ 1.300 – 1.500 nạn nhân và gia đình nạn nhân bom mìn được hỗ trợ về y tế, phát triển sinh kế. Đến năm 2025, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh đều đưa chương trình giáo dục phòng, tránh bom mìn vào dạy học tích hợp trong các môn học.
Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị đề ra các giải pháp gồm: Đẩy mạnh vận động tài trợ nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn; tăng cường đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn; thực hiện tốt thông tin tuyên truyền khắc phục hậu quả bom mìn nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhân dân.
Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước, với 82% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương. Từ năm 1995, tỉnh Quảng Trị bắt đầu hợp tác với các tổ chức quốc tế, triển khai hoạt động làm sạch bom mìn. Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) là tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đầu tiên, được cấp phép vào năm 1995 và triển khai hoạt động rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị. Đây là sự khởi đầu cho nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị thông qua các tổ chức phi chính phủ như: Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG), Tổ chức phi lợi nhuận Clear Path International (CPI), Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA)...
Quảng Trị đang hướng đến là tỉnh đầu tiên của Việt Nam "an toàn" không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, ước tính mỗi năm tỉnh cần thêm nguồn kinh phí khoảng 10 - 12 triệu USD.