Thiếu kiến thức về bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng là một trong những nguyên nhân gây nên hậu quả khó lường. Bảo vệ trẻ em nhưng không biết cách cũng sẽ bị định tội.
Đầu tháng 6, từ tài khoản facebook của một phụ nữ ở huyện Cần Giuộc, TP Hồ Chí Minh đăng clip có một bé gái khóc lóc kể rằng trong thời gian dọn về sống chung cùng cha mẹ, em liên tục bị người cha ruột của mình xâm hại tình dục. Clip này quay rõ mặt cháu bé kể về sự việc. Bà Nguyễn Thị Nga, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: “Trong vòng 12 giờ, clip này đã được công an huyện Cần Giuộc yêu cầu gỡ xuống. Đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ tội danh các bên liên quan. Tôi không khỏi xúc động khi xem clip này bởi tình trạng của cháu bé quá thương tâm. Điều đáng nói, người muốn bênh vực cháu lại làm sai khi đăng tải hình ảnh rõ mặt cháu. Bà và mẹ cháu biết nhưng… làm ngơ. Chính họ sẽ bị khép vào tội danh che giấu hành vi của người cha này. Đây là ví dụ rất điển hình của việc thiếu hiểu biết trong việc bảo vệ trẻ trong môi trường mạng xã hội”.
Do đó, theo các chuyên gia, việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng rất cần người dân hiểu được cách thức. Nếu không sẽ là người vô tình tiếp tay cho việc xâm hại vào đời tư, cá nhân của trẻ.
Có thể nói, trường hợp như nêu trên là cá biệt. Ở khía cạnh khác, gia đình chính là nơi trẻ cần đồng hành nhiều nhất khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng internet. Bởi họ là cầu nối gián tiếp để giúp trẻ em tiếp cận nguồn tin một cách dễ hiểu, dễ thực hiện nhất.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (Csaga) nhận định: Dụ dỗ trẻ cung cấp hình ảnh, truyền trực tiếp hình ảnh khỏa thân qua facebook và các phần mềm giao tiếp xã hội là hình thức mới và đang gia tăng. Đây là một cách thức xâm hại tình dục trẻ em qua mạng. Thực tế, việc giáo dục hướng dẫn các trẻ em kỹ năng tự phòng vệ ở môi trường mạng chưa được chú ý nhiều. Điều mà các bậc phụ huynh lâu nay vẫn làm để bảo vệ con khi tham gia môi trường mạng là cấm đoán. Nhưng cấm không phải là biện pháp hay, nhất là vào mùa hè, trẻ không đi học và có nhiều thời gian ở nhà vào mạng. Thay vì cấm đoán, cha mẹ nên trò chuyện, giúp trẻ nhận biết các mánh khóe của kẻ xấu, có kỹ năng đề phòng khi tham gia vào mạng xã hội”, bà Vân Anh nói.
Còn theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển bền vững (MSD), phụ huynh và giáo viên cần học từ chính trẻ em để đồng hành cùng trẻ em. “Chúng ta không thể dùng cách truyền thông là dạy bảo hay kiểm soát một thế hệ có khả năng hiểu biết vượt trội hơn chúng ta về công nghệ. Cách nên làm vẫn là đồng hành cùng trẻ. Thực ra, không có gì xấu hổ khi bắt đầu học tập và trò chuyện cùng con mình, học sinh của mình về các rủi ro con có thể gặp phải trên mạng xã hội. Từ đó, cùng thảo luận với các con cách xử lý. Tôi khuyên các bậc phụ huynh và nhà trường hãy đặt niềm tin vào trẻ em, trao quyền cho các con. Đồng thời, để trẻ em tìm giải pháp. Vì chính trẻ em mới là những công dân số và làm chủ công nghệ. Đừng nghĩ rằng các cách thức ngăn cấm và kiểm soát sẽ mang lại các kết quả tích cực”, bà Nguyễn Phương Linh phân tích.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: LP |
Đồng quan điểm này bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: "Trong các gia đình ở Việt Nam hiện nay nhiều phụ huynh không ngần ngại trang bị các thiết bị công nghệ dành cho con em mình. Mục đích đầu tiên là giúp con em tiếp cận kiến thức. Vì nhiều lý do khác nhau nên việc trao đổi giữa cha mẹ và con cái thời nay đang còn xa cách. Nhất là trong dịp hè, các trang thiết bị công nghệ như người bạn của các em. Chưa chắc cha mẹ đã giỏi hơn con về mặt công nghệ. Tôi không nghĩ rằng cha mẹ phải hướng dẫn các con tham gia vào môi trường mạng an toàn mà chính họ cần song hành với con. Từ đó, con tự chia sẻ những thứ tiếp nhận được từ môi trường mạng với cha mẹ. Khi biết được, bằng kinh nghiệm sống của mình cha mẹ cùng con đưa ra giải pháp tốt nhất. Thậm chí, nếu nghiêm trọng có thể thông tin tới cơ quan chức năng”.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Trong thời gia qua, Cục Trẻ em có tham gia vào kênh truyền thông tương tác trực tiếp với người dân. Một trong những điều đáng mừng là các cha mẹ đặt câu hỏi tới chương trình đã luôn quan tâm làm thế nào để con em mình tham gia môi trường mạng an toàn nhất. Khi cha mẹ đã có những câu hỏi trăn trở như vậy, họ sẽ tự tìm đến các tài liệu, kiến thức để thêm kỹ năng đồng hành cùng con. Một số ít những gia đình ở thành phố đã có những nhận thức tốt về bảo vệ cho trẻ em nói chung, trong đó có bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng nói riêng. Ngoài trách nhiệm nhà nước, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm của cha mẹ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc cùng con tham gia vào môi trường mạng”.
“Trao quyền cho trẻ để trẻ chủ động có những kiến thức kỹ năng tốt hơn rất nhiều kiểm soát các con khi tham gia môi trường mạng. Cục Trẻ em cùng với các tổ chức khác đã và đang sản xuất những ấn phẩm truyền thông dành cho cha mẹ để đồng hành với con trong môi trường mạng internet, mạng xã hội. Cha mẹ có thể lên trang web chính thức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xem các clip mẫu, tài liệu về vấn đề này”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.
Bà Nguyễn Thị Nga cũng cho biết, những bộ tài liệu hướng dẫn cho cha mẹ, giáo viên giúp trẻ em tham gia trong môi trường mạng được tải lên trang web chính thức của Bộ. Trước đây, những sản phẩm truyền thông mẫu mà Cục Trẻ em cùng với các tổ chức xây dựng cho cha mẹ để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng đã được địa phương chủ động thông tin trên đài phát thanh truyền hình. Đi cùng với đó là Cục Trẻ em có lớp tập huấn dành cho đội ngũ giáo viên, trẻ em nòng cốt ở 63 tỉnh, thành khi tham gia môi trường mạng. Thời gian tới, Cục Trẻ em cùng với các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị hội thảo xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng ở Việt Nam. Dự kiến, sự kiện được triển khai vào tháng 7/2018. Cục sẽ kết nối các cơ quan, tổ chức nhằm có được tài liệu truyền thông mẫu, tài liệu tập huấn mẫu để đồng bộ với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục đích làm thế nào trẻ em dễ nhớ, dễ biết, các em xác định được việc tham gia môi trường mạng an toàn nhất là gì.
Đánh giá về những gì đã làm được từ phía quản lý, bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, bên cạnh tập huấn cho đội ngũ giáo viên, tuyên truyền cho cha mẹ thì chính những trẻ em nòng cốt đang thực hiện rất tốt việc này. Bởi trẻ em chia sẻ với trẻ em sẽ dễ hơn rất nhiều. Một trong những địa phương làm tốt công tác này là Bình Thuận. Những trẻ em nòng cốt ở địa phương của Bình Thuận đã có những buổi toạ đàm tại các trường học mang lại hiệu quả tích cực.
Như vậy, mạng lưới an toàn đối với trẻ em chính là những người thân, những người có trách nhiệm xã hội để các em có thể tiếp cận với môi trường mạng một cách lành mạnh. Tuy vậy, phía trước vẫn còn rất nhiều cám dỗ bởi tốc độ phát triển của internet, các hình thức mạng xã hội thay đổi từng ngày, từng giờ. Điều này, buộc những người làm chính sách, triển khai thực hiện càng phải nhanh, nhạy và giải quyết rốt ráo các sự việc nhằm mang tính răn đe, đồng thời, giáo dục trong xã hội để người dân hiểu và thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: