Vừa qua, mạng xã hội facebook dậy sóng với vụ việc nữ sinh Thùy Dung (học sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam, Hà Nội) đăng dòng trạng thái tố anh rể mình bạo hành, đánh đập liên tục 5 năm. Điều đáng nói, anh rể của Thùy Dung là BTV Minh Tiệp đang công tác tại Đài truyền hình Việt Nam.
Sự việc của Thùy Dung chia sẻ trên mạng đã kéo theo nhiều tương tác, nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ sau đó. Ảnh: Chụp màn hình. |
Sau khi dòng trạng thái này được đăng lên, bên cạnh những bàn luận vào nội dung chính thì đời tư của nữ sinh này bị “mổ xẻ”. Như, Thùy Dung là con gái của một Giám đốc bệnh viên lớn ở Ninh Bình; Thùy Dung con ruột nhưng lại được bố mẹ gửi đi làm con nuôi do bố mẹ làm quan chức không được sinh con thứ ba; Thùy Dung là học sinh có học lực kém, nghịch ngợm; Gia đình Thùy Dung đang xử lý cô bé. Họ thu các phương tiện liên lạc của Dung, kích động Dung và dọa livetream (một tính năng trực tiếp của facebook) để cư dân mạng thấy Dung bị điên; Gia đình muốn chứng minh Thùy Dung bị tâm thần nhằm “ém nhẹm” sự việc Thùy Dung tố cáo anh rể bạo hành là không có thật; Có tới hai người nổi tiếng trong giới giải trí tên Minh Tiệp cũng bị ảnh hưởng. Đó là BTV Minh Tiệp ở Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC và diễn viên Minh Tiệp.
Tuy nhiên những thông tin về đạo đức và học lực của Dung bị lãnh đạo trường THPT Hà Nội Amsterdam phủ nhận. Một số phụ huynh có con học cùng Thùy Dung dẫn chứng, vài tối Thùy Dùng phải sang nhà bạn ngủ tránh bị bạo hành.
Sự việc đã được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại biểu Quốc hội lên tiếng. Lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam yêu cầu dừng các phát sóng của BTV Minh Tiệp. Trong khi những thông tin tiêu cực trên chưa được kiểm chứng thì người dùng facebook đã tấn công những BTV, diễn viên có cùng tên Minh Tiệp. BTV Minh Tiệp ở Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC và diễn viên Minh Tiệp liên tục bị những tin nhắn đe dọa và lời hỏi thăm bất đắc dĩ của người thân, người quen. Khi họ liên hệ công việc thì bị từ chối. Cuối cùng họ buộc phải lên tiếng trên trang cá nhân và trên sóng truyền hình.
Vụ việc của Thùy Dung là một trong những minh chứng trong vô vàn ví dụ về việc người dùng facebook sẵn sàng mổ xẻ đời tư cá nhân, gây ảnh hưởng tới những người không liên quan.
Ở khía cạnh khác, những thách thức trên facebook cũng ảnh hưởng đến cuộc sốn của nhiều người. Một thanh niên dùng facebook đăng tải trạng thái: “Bức hình này đủ 40k like tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like (thích) sẽ làm, tôi nói là làm. Share (chia sẻ) mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem”. Chỉ trong vòng hai tiếng sau khi chia sẻ, trạng thái này đã nhận được hơn 28.000 lượt thích. Sự việc ngỡ như một trò câu like vô bổ nhưng đã khiến hàng trăm người tụ tập ở khu vực cầu Tân Hóa để "kiểm chứng". Sự việc đã khiến cảnh sát giao thông đến giải tán nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Xuất hiện bệnh lý lo âu, trầm cảm
Gần đây một hội thảo “Tác động của mạng xã hội tới tâm lý người dùng” có nhắc đến các vấn đề của facebook. Đây là một trong những hội thảo ít hỏi bàn về vấn đề này ở Việt Nam. Theo đó, với nghiên cứu của We Are Social Media tháng 1/2017, Việt Nam có hơn 46 triệu/93 triệu người người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội. Trong đó, Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam năm 2009, nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội này đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người như thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân. Bao gồm cả những thay đổi tích cực và những biến thiên tiêu cực dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết cho rằng, facebook trở thành ngôi làng toàn cầu tạo cơ hội kết nối và tương tác. Tuy nhiên, đi cùng với những tác động tích cực thì có nhiều tác động xấu đến người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
TS tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Hiện nay, những nghiên cứu mới chỉ dừng ở nghiện internet, nghiện game nói chung. Tại Việt Nam, những nghiên cứu mang tính quy mô về việc sử dụng mạng xã hội facebook là chưa có”.
Trong một nghiên cứu về việc sử dụng facebook tác động tới tâm lý như thế nào của TS tâm lý Trần Thành Nam thì đặc điểm của những người nghiện facebook là: Thời gian sử dụng facebook tăng liên tục; Kỹ năng kiểm soát thời gian sử dụng facebook ngày càng khó khăn; Nếu họ bị ngừng sử dụng facebook thì họ sẽ bị rơi vào tâm trạng lo lắng, cáu gắt, thiếu tự tin. Đây là những biểu hiện ban đầu của bệnh lý.
Tại Việt Nam, nghiên cứu về “Tác động của mạng xã hội facebook lên tâm lý người dùng” của nhóm tâm lý ĐH Giáo dục, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chỉ ra, facebook là một kênh nhiều thông tin, nhưng có nhiều trong đó là chưa được kiểm chứng, chưa chính xác. Do đó, việc ảnh hưởng đến những bạn trẻ chưa được có phông kiến thức ổn định sẽ ảnh hưởng đến lòng tự tin và tâm lý tâm thần.
TS tâm lý Trần Thành Nam cũng chỉ ra rằng, những người sử dụng facebook không kiểm soát về thời gian có các biểu hiện như: Họ liên tục đăng hình ảnh về bản thân, trong đó sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh. Những người này có điểm mức độ hài lòng về cuộc sống rất ít. Điều này cũng được nhóm nghiên cứu của ĐH Los Angeles (Mỹ) chỉ ra những người có số lượng bạn bè ngày càng nhiều trên facebook thì cuộc sống ngoài đời càng cô đơn. Thậm chí, ở họ xuất hiện các đặc điểm lo âu, trầm cảm do tương tác với một số người ít quen biết, không biết, gây ra xung đột không cần thiết.
“Thậm chí, tại facebook sẽ có những trò chơi rất được ưa chuộng trên thế giới. Nhưng khi vào đến Việt Nam, chúng đã bị biến tướng. Ví dụ như trò chơi tự tẩm xăng đốt mình, thách thức câu like trên facebook đã mang lại những hệ lụy khôn lường”, TS tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ.
Vì thế, để người dùng sử dụng facebook một cách thông minh, hiệu quả theo GS Phạm Quang Minh thì cần có những nghiên cứu cụ thể về mặt tích cực, tiêu cực để người dùng facebook nhận hiểu. Đánh giá về những thông tin mang lại, hệ lụy và nguy cơ một cách toàn diện. Từ đó nâng cao năng lực thông tin truyền thông để người dùng facebook một cách hiệu quả.