Chiều 7/7, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Viện Friedich Ebert (FES) tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo thông tin góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tập trung góp ý những quy định liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh tới một số vấn đề như: Tuổi nghỉ hưu; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội đại diện cho người lao động; nhà trẻ, mẫu giáo; nghỉ thai sản và một số vấn đề liên quan đến lao động nữ.
Đáng chú ý, Hội đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh thêm Điều 198 về tuổi nghỉ hưu cho phù hợp hơn với pháp luật về bình đẳng giới theo hướng: Cần có quy định giảm điều kiện về năm đóng bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ; đối với lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên cần có quy định hợp lý hơn để bảo đảm quyền làm việc và tận dụng được năng lực của những người được đào tạo cơ bản. Khoản 2 điều này nên thiết kế theo hướng bảo đảm bình đẳng giới, nam, nữ như nhau, nếu ưu tiên cho nữ thì thiết kế thêm quy định nữ được lựa chọn nghỉ hưu trong khoảng 55-60 tuổi.
Về vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, Hội LHPN Việt Nam đề nghị quy định theo hướng xác định việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo là trách nhiệm của Nhà nước, các doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ. Liên quan đến vấn đề nghỉ thai sản, Hội đồng tình quan điểm quy định chung về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ là 6 tháng cộng cả trước và sau khi sinh; nghiên cứu bổ sung thêm một khoản quy định về việc khuyến khích người chồng được nghỉ tối đa 1 khoảng thời gian trước và sau khi lao động nữ sinh con; đồng thời, có một số chính sách thai sản cho người lao động là phụ nữ nông dân, nông thôn...
Thanh Hòa