Vẫn còn đó niềm mong muốn khắc khoải, được đưa những người con đã anh dũng hy sinh, trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, đồng đội, để được tri ân, để góp phần vợi bớt nỗi đau của các gia đình liệt sỹ.
Chưa vợi nỗi đau
Đất nước thống nhất đã 46 năm, nhưng bà Bùi Thị Long, ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, vẫn mong ngóng tin về hài cốt của ba người con trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Day dứt trong bà là nỗi niềm muốn nhìn thấy "nhúm ruột" của mình được quy tập về quê nhà trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Vì độc lập, vì tự do, người con trai thứ của bà là Quách Văn Quang hy sinh tại đảo Mê, vị trí tiền tiêu trên hướng biển của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Người con nuôi là Bùi Văn Tiếp hy sinh tại chiến trường hạ Lào trong một trận đánh khi mở đường máu để các đồng đội được an toàn thoát ra. Và năm 1979, người con út Quách Văn Minh hy sinh tại chiến trường Campuchia.
Ba lần nhận giấy chứng tử của các anh là ba lần bà Bùi Thị Long chết lặng. Nỗi đau quá lớn tưởng như không thể gượng dậy được. Nhưng những an ủi của 4 người con còn lại, của bà con làng xóm, của những người đồng chí khiến bà cố gượng dậy. Mừng vui đến trào nước mắt ngày non sông thống nhất, nơi biên cương cũng im tiếng súng và khát vọng đất nước hòa bình, thịnh vượng được thực hiện, chỉ có điều bà Bùi Thị Long vẫn day dứt nỗi lòng người mẹ khi chưa thực hiện được ước nguyện đưa con về quê hương…
Cũng hơn bốn mươi năm nay, ông Dương Hùng Hải, ở ngõ 205 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội- em trai của liệt sỹ Dương Hùng Phong vẫn khắc khoải mong muốn đưa hài cốt anh trai mình trở về. Nhắc tới chuyện hơn hai mươi năm ròng rã tìm kiếm hài cốt anh, ông Hải thở dài rồi cho hay: "Điều mong mỏi nhất của gia đình chúng tôi là đưa được anh tôi về. Mẹ tôi đã hơn 100 tuổi rồi. Ước nguyện lớn nhất của bà là tìm thấy anh".
Cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công "Liệt sĩ Dương Hùng Phong, Hạ sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên quán: Xã Văn Bình, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình; đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ngày 19 tháng 3 năm 1968", ông Dương Hùng Hải buồn buồn nói: "Ngoài tin báo tử thì gia đình không có một manh mối dù nhỏ nhất về việc anh Phong hy sinh ở đâu, trong hoàn cảnh nào và tại đơn vị nào. Chúng tôi cũng không có bất kỳ chứng cứ, thông tin nào phục vụ cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ".
Mong muốn khắc khoải của bà Bùi Thị Long và ông Dương Hùng Hải cũng là nỗi niềm của hàng vạn gia đình liệt sỹ trên khắp đất nước. Tổ quốc im tiếng súng đã hơn bốn mươi năm nay, nhưng vẫn còn biết bao câu chuyện về những người mẹ đợi con, người vợ chờ chồng, những đứa con thơ chờ cha năm nào nay đã thành ông, thành bà, có nguyện vọng tìm mộ người thân. "Di chứng" của chiến tranh đang day dứt, âm ỉ. Cả nước có gần 1,2 triệu liệt sỹ; gần 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt; gần 300 nghìn hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật. Nhiều thân nhân liệt sỹ vẫn từng ngày, từng giờ mong mỏi tìm được mộ phần của người thân.
Uống nước nhớ nguồn
Suốt 74 năm qua, nhất là hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức toàn dân tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ hy sinh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1237/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban chỉ đạo 515), thời gian qua, cả nước đã tập trung đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trong nước và ngoài nước; trọng tâm là địa bàn trong nước, khu vực trọng điểm có nhiều hài cốt liệt sỹ; triển khai Dự án rà phá bom mìn, vật cản nổ để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Hà Giang và các địa bàn trọng điểm còn nhiều hài cốt liệt sỹ. Đồng thời, triển khai vận hành trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN, đẩy nhanh tiến độ xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; mở rộng hợp tác quốc tế về tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ với các nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Năm 2019, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 1.625 hài cốt liệt sỹ, trong đó ở trong nước là 591 hài cốt liệt sỹ, ở Lào là 239 hài cốt liệt sỹ, ở Campuchia là 795 hài cốt liệt sỹ; trả lại tên cho 617 liệt sỹ. Năm 2020, cả nước tiếp tục tìm kiếm, quy tập được hơn 1.500 hài cốt liệt sỹ; trả lại tên cho 147 liệt sỹ bằng phương pháp thực chứng, bằng phương pháp giám định ADN cho 74 liệt sỹ. Đồng thời, hàng trăm nghìn hồ sơ, danh sách liệt sỹ được các đơn vị, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nhập dữ liệu. Hiện tại, trên 40 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành kết luận địa bàn cấp tỉnh, hơn 20 tỉnh, thành phố lập được bản đồ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ ở ba cấp…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 369 liệt sỹ; tiếp nhận 1.544 mẫu để giám định ADN gồm 928 mẫu lưu, 399 mẫu hài cốt liệt sỹ và 217 mẫu thân nhân liệt sỹ để bàn giao cho các đơn vị giám định thực hiện…
Thực tế cũng cho thấy, dù đã đạt được mục tiêu đề ra, mang lại ý nghĩa chính trị sâu sắc nhưng việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đang ngày càng khó khăn, gian khổ. Bởi lẽ, chiến tranh ác liệt, kéo dài, đến nay hồ sơ, danh sách liệt sỹ quản lý, lưu trữ không đầy đủ, thiếu nhiều yếu tố, nhất là thông tin nơi chôn cất ban đầu liệt sỹ; địa hình, địa vật, địa danh trước đây thay đổi nhiều; các nhân chứng trực tiếp đã mất hoặc không còn nhớ chính xác thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ nên việc xác minh, thu thập thông tin để lập được bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ rất khó khăn. Chính vì vậy mà chiến tranh đã qua đi hàng chục năm, song vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ đang nằm lại tại các chiến trường xưa, trong rừng sâu, núi thẳm.
Nhưng "uống nước nhớ nguồn", như khẳng định của Thượng tướng Lê Chiêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Dù gặp nhiều khó khăn, song các cấp, ngành, địa phương, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực chung tay thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ, qua đó thể hiện sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, đáp ứng một phần nguyện vọng của gia đình liệt sỹ và nhân dân trong cả nước; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội, ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương.