Đẩy mạnh phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 112/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030.

Chú thích ảnh
Cán bộ hướng dẫn trẻ em khuyết tật lao động trị liệu tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn, Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, hiệu quả.

Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, trong đó, có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định.

Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt cơ cấu tối thiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội và quản lý ca tăng tối thiểu 30% so với năm 2025; đến năm 2030 bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội, được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội; phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tập huấn kỹ năng cho 90.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; nghiên cứu, đánh giá kết quả, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công tác xã hội, đặc biệt là công tác xã hội trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, y tế, giáo dục, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, nghiên cứu, khảo sát mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội của các nước trong khu vực và thế giới để thúc đẩy phát triển công tác xã hội…

TTXVN/Báo Tin tức
Nghề công tác xã hội ở bệnh viện - nơi bệnh nhân gửi gắm niềm tin
Nghề công tác xã hội ở bệnh viện - nơi bệnh nhân gửi gắm niềm tin

Nghề công tác xã hội ở bệnh viện không chỉ là làm từ thiện mà còn là chỗ dựa tinh thần, nơi bệnh nhân gửi gắm niềm tin trong những lúc khó khăn nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN