Mỗi lớp thường kéo dài 15 ngày, gồm 14 buổi học lý thuyết kết hợp thực hành và 1 buổi kiểm tra đánh giá kỹ năng. Qua khóa học, các em được hướng dẫn kỹ thuật bơi cơ bản, nắm vững nguyên tắc an toàn khi tham gia hoạt động dưới nước và biết cách xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm. Đặc biệt, sau khóa học, học sinh có thể bơi ít nhất một kiểu và được trang bị kỹ năng sinh tồn cần thiết để tự bảo vệ.
Kỹ năng cần thiết
Thầy Phạm Viết Hòe (giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Tam Bình, xã Tam Bình) hướng dẫn các kỹ năng bơi cho học sinh.
Em Châu Minh Ngọc, học sinh Trường Trung học cơ sở Tân Hạnh (phường Tân Hạnh) cho biết, sau khóa học bơi hè, em đã được học kỹ thuật bơi ếch, bơi ngửa, cách thở dưới nước và giữ thăng bằng khi bơi. Ngoài ra, em còn được hướng dẫn cách bơi an toàn như khởi động trước khi xuống nước, giữ bình tĩnh nếu gặp sự cố và không bơi ở nơi nước sâu khi không có người lớn đi cùng.
Tại xã Tam Bình, có hơn 30 học sinh tham gia lớp học bơi miễn phí dịp hè này. Trực tiếp tham gia giảng dạy lớp, thầy Phạm Viết Hòe (giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Tam Bình) đã hướng dẫn các em kỹ thuật bơi ếch – kiểu bơi giúp duy trì thể lực tốt, kỹ năng nổi ngửa, đứng nước và đặc biệt là kiến thức phòng tránh đuối nước.
Thầy Phạm Viết Hòe cho biết, thực tế có nhiều trường hợp học sinh đã biết bơi nhưng vẫn đuối nước do chủ quan và không biết được kỹ năng thoát hiểm an toàn khi rơi vào môi trường nước. Vì vậy, ở lớp học này, giáo viên luôn nhắc nhở các em không được ỷ lại vào khả năng bơi mà cần phải hiểu đúng cách cứu người và giữ an toàn cho bản thân.
Thầy Hòe chia sẻ: “Khi rơi xuống nước, các em cần giữ bình tĩnh tìm vật nổi để bám vào, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác hoặc sử dụng kỹ năng đã được học để bơi vào bờ. Khi gặp tình huống cứu người bị đuối nước, học sinh không nên nhảy trực tiếp xuống cứu ngay mà cần hô hoán để người lớn biết và hỗ trợ. Các em phải biết cách sử dụng phao, vật nổi hay cây dài... để cứu người từ xa. Đặc biệt, các em phải nắm vững tư thế khi cứu người để tránh trường hợp không đủ sức lại bị kéo theo gây nguy hiểm cho cả hai”.
Thầy Phạm Viết Hòe (giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Tam Bình, xã Tam Bình) hướng dẫn các kỹ năng bơi cho học sinh.
Bà Phan Thị Phương Thảo (phụ huynh có con tham gia lớp học bơi miễn phí) cho rằng: “Trẻ em ở nông thôn tuy biết bơi nhưng vẫn có thể bị đuối nước do chủ quan, bất ngờ và chưa có kỹ năng để tự bảo vệ bản thân. Nhiều em chỉ biết bơi, không được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi an toàn nên khi gặp tình huống khẩn cấp dễ hoảng loạn, xử lý sai dẫn đến nguy hiểm. Tôi thấy yên tâm hơn khi con mình được học những điều bổ ích từ lớp học này, không chỉ bơi vững mà còn biết tự đánh giá nguy cơ, biết giữ bình tĩnh, xử lý tình huống. Đây sẽ là hành trang thiết thực để con tự bảo vệ bản thân và giúp đỡ người khác khi cần thiết”.
Sân chơi lành mạnh
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 9 trường hợp trẻ em bị đuối nước, trong đó hầu hết đều liên quan đến việc trẻ không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ và sống tại các khu vực nông thôn có nhiều sông, rạch, ao hồ. Trước thực trạng trên, ngành y tế tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bậc phụ huynh và trẻ em nâng cao nhận thức phòng, chống tai nạn đuối nước, đồng thời tổ chức lớp dạy bơi, kỹ năng phòng tránh nguy cơ để trẻ có thêm khả năng tự bảo vệ bản thân. Trong dịp hè này, toàn tỉnh tổ chức 78 lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước cho 2.340 trẻ em. Việc tổ chức lớp bơi miễn phí cho trẻ không chỉ góp phần tạo sân chơi hè lành mạnh mà còn có ý nghĩa trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là ở vùng nông thôn. Những kiến thức, kỹ năng sống được trang bị trong lớp bơi sẽ là hành trang quan trọng giúp các em tự tin và an toàn hơn khi vui chơi trong môi trường nước.
Thầy Phạm Viết Hòe (giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Tam Bình, xã Tam Bình) hướng dẫn kỹ năng cứu đuối cho học viên.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng cho biết, để công tác phòng, chống đuối nước thực sự hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương. Trong đó, gia đình có vai trò quan trọng, đặc biệt trong dịp hè khi trẻ thường xuyên vui chơi ngoài trời. Phụ huynh cần quan tâm, hướng dẫn con em những kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước. Đối với nhà trường, cần lồng ghép nội dung phòng, chống đuối nước trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, phối hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm, tập huấn kỹ năng cho học sinh. Các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương chủ động rà soát, lắp đặt biển báo tại các khu vực có nguy cơ cao, tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt cộng đồng để nhắc nhở, cảnh báo người dân và trẻ em.
Bà Hồ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc tổ chức các lớp dạy kỹ năng bơi cho trẻ em cần được xem là một giải pháp trọng tâm, lâu dài. Trẻ không chỉ cần biết bơi mà còn phải biết nhận diện khu vực nguy hiểm, biết cách tránh xa, xử lý tình huống và hỗ trợ người khác khi gặp nạn. Đây là nền tảng quan trọng để chủ động phòng tránh tai nạn thương tích do đuối nước – một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em hiện nay".