Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm; tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý; kéo dài ngày điều trị. Mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý và một nguyên nhân quan trọng nữa là trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Cụ thể, theo ông Phúc, giá dịch vụ y tế xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, nhân lực, thời gian không phù hợp; phân loại phẫu thuật, thủ thuật còn bất cập dẫn đến định giá không chính xác. Hơn 10.000 dịch vụ áp giá trên cơ sở 1.000 dịch vụ của Thông tư 37 và nhiều dịch vụ giá chưa phù hợp do thiếu hoặc không có quy trình kỹ thuật, không có cơ cấu giá để xác định tương đương.
Trong năm vừa qua, một số dịch vụ y tế tại bệnh viện tăng đột biến. Ví dụ về dịch vụ tai mũi họng gia tăng đột biến, ông Lê Văn Phúc cho rằng do xây dựng giá dịch vụ y tế chưa chính xác dẫn đến lợi nhuận khi thực hiện dịch vụ này rất lớn. Một bệnh viện Nghệ An chỉ trong 9 tháng của năm 2017 khám chữa bệnh đã chi tới hơn 8 tỷ đồng riêng dịch vụ nội soi tai mũi họng, trong khi đó tại Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ chưa đến 200 triệu đồng. Càng những dịch vụ xây giá chưa sát, cao quá mức thực tế thực hiện thì việc lạm dụng trục lợi, tăng chỉ định càng nhiều – ông Phúc nêu thực tế. Chẳng hạn, dịch vụ gây mê, một gói là 632.000 đồng, tuy nhiên khi kiểm tra ở Viện Mắt Trung ương thì chi phí chưa đến 100.000 đồng.
Ông Phúc cũng nêu lên tình trạng dịch vụ kỹ thuật cùng tên nhưng phiên tương đương khác nhau dẫn đến sự chênh lệch giá lớn; một dịch vụ kỹ thuật được phân loại khác nhau ở những chuyên khoa khác nhau, dẫn đến mức giá thanh toán khác nhau. Vấn đề thanh toán không đúng định mức đang là bức xúc không chỉ trong người làm công tác khám chữa bệnh mà cả người dân và cơ quan Bảo hiểm xã hội.
“Khi xây dựng giá dịch vụ y tế, chúng ta căn cứ vào định mức khám bệnh, giường bệnh, nhân lực. Một bác sỹ ở bệnh viện hạng 3, 4 chỉ khám 35 bệnh nhân nhưng lại khám lên đến 180 bệnh nhân thì rõ ràng bác sỹ cũng bức xúc là tôi phải khám nhiều, bệnh nhân cũng bức xúc là tôi không được đảm bảo chất lượng, cơ quan Bảo hiểm xã hội nói là chúng ta đang xây dựng với một mức giá một bác sỹ một ngày khám 45 bệnh nhân, tại sao khám 180 bệnh nhân vẫn được thanh toán theo mức giá như vậy? Rõ ràng đây là điều hết sức bất cập”, ông Phúc nói.
Một loạt nguyên nhân khác dẫn đến tăng chi phí bất hợp lý được ông Lê Văn Phúc liệt kê ra như tách dịch vụ thống kê thanh toán (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tách dịch vụ kỹ thuật siêu âm ổ bụng thành siêu âm ổ bụng và siêu âm ống tiêu hóa) diễn ra trong năm 2017; chỉ định xét nghiệm nhiều, quá mức cần thiết.
Hay tình trạng một số nơi khắc sẵn con dấu xét nghiệm đồng loạt một số chỉ số, bệnh nhân đến đóng dấu bệnh án luôn, coi như đó là những xét nghiệm thường quy, không xem bệnh nhân đó cần lựa chọn những xét nghiệm nào cho phù hợp; kê nhiều chẩn đoán để hợp lý hóa chỉ định xét nghiệm; tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý, kéo dài ngày điều trị…
Nhóm giải pháp được ông Phúc đưa ra để giải quyết tình trạng trên là phải hoàn thiện và ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; xây dựng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với điều kiện, khả năng cung ứng của các cơ sở khám chữa bệnh; thay đổi phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; xây dựng chính sách cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và an toàn, giảm đi các chỉ định bất hợp lý, thực hiện việc khoán cho các bệnh viện; đồng thời tăng cường khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở, giảm tỷ trọng khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, trung ương; kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách còn thiếu, không phù hợp hoặc khó khăn trong tổ chức thực hiện.