Với thực trạng chất lượng tay nghề, chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn còn thấp và một bộ phận lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề như hiện nay thì việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là rất cần thiết.
Còn nhiều khó khăn
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà cho rằng, việc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề là phù hợp với tình hình thực tế và đang phát huy hiệu quả, góp phần tạo và duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.
Hiện nay số lượng, quy mô các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh còn ít nên nhu cầu tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật của các doanh nghiệp chưa nhiều, chủ yếu vẫn là tuyển dụng lao động phổ thông. Sự quan tâm, tham gia của các doanh nghiệp trong thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa nhiều; ngành nghề, số lượng đào tạo theo địa chỉ, theo đặt hàng của các doanh nghiệp còn ít; việc bao tiêu sản phẩm, giá cả các mặt hàng nông sản, sản phẩm ngành nghề nông thôn còn chưa ổn định... Công tác dạy nghề cho lao động ở nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn do nhận thức, ý thức về học nghề gắn với việc làm bền vững của một bộ phận lao động nông thôn còn hạn chế.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Thít Nguyễn Văn Nguyên, khó khăn lớn nhất hiện nay của Trung tâm là công tác tuyển sinh, số lượng người học còn hạn chế. Nguyên nhân là do một số ban ngành, đoàn thể ở địa phương chưa quan tâm phối hợp trong việc tuyên truyền để lao động nông thôn nâng cao nhận thức, tham gia học nghề để cải thiện thu nhập. Vì thế còn nhiều lao động nông thôn có xu hướng tìm việc làm giản đơn, có tính chất lao động phổ thông để có thu nhập ngay chứ chưa muốn tham gia học nghề.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà đánh giá: Đôi khi nhu cầu của người học là nghề này nhưng nhu cầu của doanh nghiệp cần đặt hàng lại là nghề khác. Một số người còn e ngại mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thu nhập nên không theo học nghề. Để tháo gỡ những khó khăn này cần có sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong tuyên truyền, tạo ý thức cho người lao động; cần có sự linh hoạt và tiếp tục đổi mới của các cơ sở đào tạo nghề và chính quyền địa phương trong việc lựa chọn ngành nghề, kết nối với doanh nghiệp, xây dựng hình thức và thời gian mở lớp đào tạo... để tạo niềm tin cho người lao động tích cực tham gia học nghề.
Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề
Năm 2020, tỉnh Vĩnh Long dự kiến sẽ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 7.000 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề lĩnh vực nông nghiệp cho 1.500 lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 5.500 lao động.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Bình Minh Trần Thanh Phong cho biết, năm 2020 dự kiến sẽ đào tạo nghề và tạo việc làm cho 350 lao động nông thôn, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc Khmer. Với phương châm chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề, ngay từ đầu năm, trung tâm đã liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để liên kết tuyển sinh đào tạo nghề, bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Đối với các địa bàn vùng sâu vùng xa, người dân vùng đồng bào Khmer sẽ đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ để người dân, nhất là người lớn tuổi không có điều kiện đi xa có thêm thu nhập. Những nơi thuận lợi hơn thì trung tâm liên kết với công ty, cơ sở sản xuất tuyển sinh đào tạo nghề và làm việc ngay tại công ty.
Vĩnh Long phấn đấu năm 2020 nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đạt 75%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%. Tỉnh tiếp tục quán triệt phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề” đối với công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để thực hiện đạt mục tiêu này, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở để tổ chức điều tra khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động; gắn kết với các doanh nghiệp để đào tạo ngành nghề phù hợp nhu cầu nhằm đảm bảo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Song song đó, các cơ sở, trung tâm dạy nghề đa dạng hóa các hình thức tổ chức lớp dạy nghề, linh hoạt trong thời gian đào tạo để tạo thuận lợi cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo vừa có thể tham gia học nghề vừa đảm bảo việc làm và thu nhập.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tăng cường, ưu tiên hỗ trợ đào tạo các ngành nghề đang có nhu cầu cao như xây dựng dân dụng, cơ khí hàn - cắt gọt kim loại, may công nghiệp, các nghề lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn, điều dưỡng...
Đối với các ngành nghề phi nông nghiệp, tỉnh tăng cường tiếp cận, phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo trang bị tay nghề, kiến thức kỹ năng làm việc cho người lao động, tập trung đào tạo để tạo nguồn xuất khẩu lao động. Riêng đối với lĩnh vực nghề nông nghiệp, tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất canh tác, phát triển mở rộng ngành nghề, tạo thêm việc làm.
Tỉnh Vĩnh Long cũng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện chặt chẽ công tác quản lý, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật, các quy định, quy chế trong tổ chức hoạt động đào tạo, việc sử dụng, thanh quyết toán kinh phí, đảm bảo chất lượng đào tạo, chất lượng giải quyết việc làm cho người lao động.