Đào “ngậm” cười, chủ vườn lo sưởi ấm

Miền Bắc đang trong những ngày giá rét nhất. Dự báo trời sẽ còn rét đến giáp Tết nên trong nỗi thấp thỏm không kịp có hoa bán Tết, những người trồng hoa ở Hà Nội, Bắc Ninh đang... chạy đua với thời tiết.

Rét đậm khiến hàng chục ha đào ở phường Nhật Tân không ra được nụ. Cả cánh đồng trồng đào chỉ lác đác vài vườn là nhú nụ hạt gạo. Một số chủ vườn đã phải làm nhà trùm và thắp điện để kích hoa nở mong có đào bán Tết.

Khoảng 10 giờ sáng, trời vẫn còn buốt. Trên cánh đồng đào chỉ lưa thưa vài bóng người dạo xem. Ai cũng bị thu hút bởi một nhà trùm bằng nilon ngay giữa vườn đào nhà ông Nguyễn Chiến. Trong vườn nhà mình, trong khi cậu con trai hướng dẫn khách đi xem đào thì ông bố lúi húi giém lại mảnh nilon và kiểm tra lại mấy bóng điện mắc trong nhà trùm. Ông Chiến cho biết: Cách đây khoảng nửa tháng, thấy dấu hiệu trời rét, ông và các con đã bỏ hơn 3 triệu đồng để thưng cái nhà trùm này. Là một nông dân có 20 năm kinh nghiệm trồng đào, ông Chiến giảng giải: “Phải từ 15 độ trở lên đào mới có thể nở được. Trời rét như thế này, nụ đào chỉ "đứng yên".

Ủ ấm cho đào. Ảnh: Minh Vân


Gia đình ông Nguyễn Chiến có hơn 500 gốc đào các loại ở khu vườn Nhật Tân. Trong chiếc nhà trùm nilon, mấy cha con ông gom hơn 100 gốc đào lại, xếp dày san sát. Dây điện mắc luồn quanh những cành đào, thắp sáng suốt 24/24 giờ.


Đầu nhà và cuối nhà, ông Chiến đặt hai bếp than đun nước sôi. “Nếu chỉ đun bếp than không thôi, hơi nóng sẽ táp lên cây làm hỏng đào. Đun nước sôi vừa tăng nhiệt độ, vừa tạo độ ấm cho không khí, kết hợp với tác dụng nhiệt của việc thắp điện, nhiệt và ẩm sẽ kích thích đào nhanh bật nụ” - anh Tú, con trai ông Chiến giải thích. Sau khoảng 5 - 7 ngày được sưởi ấm, số đào này sẽ được chuyển ra ngoài để hít thở khí trời. Nhiều gia đình chăm sóc đào cho rằng chỉ cần cây trổ nụ trắng là đã có thể yên tâm có hàng Tết.

Ông Chiến cho biết: “Biện pháp kích để đào ra nụ thế này đã có từ lâu. Nên bây giờ dù rét người mua vẫn có thể đến vườn để chọn trước những gốc đào ưng ý”. Sau khi thỏa thuận giá, nếu khách có nhu cầu gửi để nhà vườn chăm sóc tiếp, chủ vườn sẽ đáp ứng. Trong nhà trùm, có rất nhiều cây đã đeo thẻ trắng - đánh dấu “hoa đã có chủ”.

Cả phường Nhật Tân có khoảng 35 ha trồng đào, khoảng 800 hộ trồng đào nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện sưởi ấm cho đào như ông Chiến. Theo ông Nguyễn Trọng Mẫn, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhật Tân, nhà nào có điều kiện kinh tế khá hoặc thu hoạch từ vườn đào lớn khoảng vài chục triệu, trăm triệu thì mới đầu tư để làm nhà sưởi ấm.


Chỉ có khoảng chục nhà như vậy, vì muốn làm nhà, cần phải đánh cây vào chậu và quây lại. Trong khi đó, đa số nhà vườn chỉ bán đào cành và không đủ chi phí để đầu tư một "nhà kính" nên thượng sách với họ hiện giờ chỉ là "thúc" (tưới nước ấm cho gốc) và "rửa mặt" cho đào (phun nước lên cây) và khấn trời, chép miệng: “Trời cho được ngần nào thì ăn ngần ấy”.

Một số gia đình cũng học cách “chống rét” cho đào như gia đình ông Chiến. Họ dùng bạt phủ lên các gốc đào. Một số nhà thì đành "bó tay" trong tâm lý đợi nắng.

Thấp thỏm lo với hoa Tết

Trời ngả về chiều, gió rét, ít người ra đồng khiến ruộng hoa Tây Tựu (Từ Liêm) trông càng hiu hắt. Tần ngần đứng bên ruộng hoa hồng lá già cằn cỗi, bà Hậu, làng Đăm (Tây Tựu) thở dài buồn bã: "Rét thế này, cây không lên được mầm, không ra được nụ. Cứ kiểu này là không có hoa bán Tết". Chẳng bù cho năm ngoái - bà Hậu nhớ lại - khoảng độ này trời nồm, cây hoa đã nhiều lộc, nhiều nụ lắm.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch xã Tây Tựu, làng có 344 ha trồng hoa. Hoa hồng là loài hoa chủ đạo của làng. Dịp Tết, bên cạnh hoa hồng còn có hoa phăng, hoa ly, hoa đồng tiền, cúc. Giá rét khiến hoa hồng chịu thiệt hại nặng nhất nhưng những nhà trồng hoa đồng tiền cũng đang lo ngay ngáy. Gia đình ông Nguyễn Khắc Tín có 9 sào hồng, 5 sào đồng tiền. Hồng thì "khó ăn" đã đành.


Hoa đồng tiền cũng lay lắt trong giá rét khiến người trồng hoa thấp thỏm. Mấy sào đồng tiền của gia đình ông Tín khẳng khiu, bông quắt lại vì lạnh. Theo những người có kinh nghiệm như ông Tín, hoa đồng tiền chỉ sinh trưởng tốt khi trời ấm, nhiệt độ chừng 25 - 27 độ C. Trời cứ lạnh thế này, hoa không lên. Nếu có bông, cũng không được đẹp. "Hoa hồng thì có thể "ke" cho nở trúng Tết nhưng riêng hoa đồng tiền thì chịu!", ông Tín lắc đầu nói. "Lo cho hoa nhưng cũng chẳng có cách nào khác ngoài việc làm giàn nilon che chắn gió và bón thêm phân để tăng sức chống chịu cho cây.

Làm giàn cũng là biện pháp "cứu hoa" của gia đình ông Sâm. Mặc dù trời đang có dấu hiệu rét kéo dài nhưng ông Sâm rất tin tưởng 2 sào hoa ly nhà mình sẽ nở đúng Tết. "Lo trượt mất Tết, hai vợ chồng mới bàn nhau phải làm giàn. Mỗi luống hoa chăng thêm vài bóng điện 40W. Cả thảy có vài chục cái bóng điện. Ngày rét đậm, điện chong suốt đêm thế này mới mong hoa nở kịp" - ông Sâm giải thích.

Trời tiếp tục giá rét, nhiều người trồng hoa dự đoán Tết năm nay hoa sẽ rất đắt. Theo ông Tín, do rét, kém hoa nên hoa đồng tiền bán rất được giá nhưng không có mà bán. Tết năm ngoái, mỗi bó đồng tiền 20 bông chỉ 15.000 - 20.000 đồng.


Trong khi đó, đến thời điểm này năm nay, cách Tết hơn nửa tháng mà giá hoa đã là 50 - 60.000 đồng/bó. Bà Hậu cũng cho hay: Đợt giỗ ông Công ông Táo bán được 2.000 đồng/bông cắt tại ruộng. Năm nay, mới bây giờ mà giá bán tại vườn đã là 3.000 đồng/bông. Năm nay, hoa thì đắt nhưng bà Hậu ngóng chừng chẳng có hoa bán trúng Tết.

Trồng hoa là vậy, trăm sự ngóng trời. Ông Tín thở dài nói: “Năm ngoái được hoa thì không được giá, năm nay được giá lại chẳng có hoa!”.

Mạnh Minh - Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN