Đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Ngày 9/11, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án đảm bảo tài chính và vận động chuyển giao nguồn lực duy trì, cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020.

Tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương cho biết: Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, hiện tỉnh Bình Dương đã đạt được 3 giảm: Giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa có nhận thức đúng về HIV/AIDS; những hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức cao.

Buổi tập huấn các học viên trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương. Ảnh: BD


Ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho thấy, chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân AIDS với phác đồ bậc một là 6 - 7 triệu đồng/năm. Chi phí này sẽ tăng lên 6 lần, tương đương khoảng 30 triệu đồng/năm nếu bệnh nhân chuyển sang phác đồ bậc hai. Trong khi đó, hiện nay 100% người nhiễm HIV đã và đang được điều trị miễn phí từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Trong thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm nhanh và tiến tới kết thúc hoàn toàn vào năm 2017. Bảo hiểm y tế được xác định sẽ là nguồn bảo đảm cho người nhiễm HIV tiếp cận, duy trì điều trị một cách bền vững. Bất kỳ ai khi tham gia bảo hiểm y tế đều được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Đối với người nhiễm HIV, thuốc ARV đã nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả.

Để bảo đảm tài chính giai đoạn 2016-2020, bên cạnh việc bảo đảm tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định đạt 100% vào năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách nhà nước tại tỉnh, tiến tới ngân sách ở địa phương, đơn vị bảo đảm được nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.

Để phấn đấu 100% những người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế, Sở Y tế tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm. Đối với người nhiễm HIV/AIDS thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, vận động tất cả thành viên hộ gia đình tham gia để được giảm mức đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, nhưng không bắt buộc tất cả thành viên trong hộ tham gia cùng một thời điểm, tạo điều kiện để người nhiễm HIV tham gia. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng rà soát, tổng hợp danh sách người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ trên địa bàn đang được quản lý tại các cơ sở y tế, các trung tâm thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội và các cơ sở khác.

Theo ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết: Kế hoạch mà tỉnh Bình Dương xây dựng có mục tiêu đảm bảo nguồn tài chính bền vững để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể là tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh; huy động nguồn viện trợ quốc tế đạt tối thiểu 20% tổng chi phí hoạt động vào năm 2017, 10% vào năm 2020; đảm bảo 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai hoạt động; đảm bảo tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định đạt 100% vào năm 2020; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động.

Huyền Trang (TTXVN/Tin Tức)
Tích cực phòng chống HIV/AIDS ở nhóm nguy cơ cao
Tích cực phòng chống HIV/AIDS ở nhóm nguy cơ cao

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 30/6/2016, số trường hợp nhiễm HIV tại tỉnh là 1.805 người; bệnh nhân AIDS là 1.298 người; và đã có1.605 trường hợp tử vong do AIDS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN