Đoàn giám sát thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Chợ Nguyễn Tri Phương ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người tiêu dùng trên địa bàn. Chợ có trên 660 gian hàng, trong đó thực phẩm chiếm hơn một nửa, kinh doanh đa dạng các mặt hàng từ tươi sống đến đồ khô. Năm 2018, chợ Nguyễn Tri Phương xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm theo “Dự án mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã đạt được 80% các tiêu chí như: rau củ Vietgap, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, điều kiện bảo quản thực phẩm, an toàn vệ sinh tại chợ…
Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ, việc giám sát an toàn thực phẩm được thực hiện khá nghiệm ngặt. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng đoàn kiểm tra liên ngành của Sở An toàn thực phẩm thành phố, phòng Y tế huyện và lực lượng chuyên ngành sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm, giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm với các quầy kệ thực phẩm, kiểm tra giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, thông tin về nơi cung cấp, đảm bảo có thể truy vết ngược khi cần thiết.
Nhờ những biện pháp này, các tiểu thương dần nâng cao ý thức kinh doanh, buôn bán. Chị Nguyễn Thị Bảo Trân gắn bó hơn 20 năm với chợ Nguyễn Tri Phương cho biết: “Tôi quyết định chọn bán thịt lợn lấy từ công ty, thay vì hàng trôi nổi, vì thông tin nguồn gốc rõ ràng. Từ khi lợn xuất chuồng, giết mổ và đưa về nơi bán đều được kiểm định. Tại chợ có tem truy xuất nguồn gốc, khi bán hàng mình dán vào và hướng dẫn người dân theo dõi thông tin. Người tiêu dùng ăn quen, thấy hàng công ty, có đầy đủ giấy tờ họ cũng yên tâm, mình bán hàng ổn định hơn”.
Xây dựng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm mang lại rất nhiều lợi ích cho tiểu thương và người tiêu dùng, vừa thu hút người dân về chợ mua sắm, vừa nâng cao hàng rào bảo vệ, đẩy lùi thực phẩm không an toàn. Ngoài việc phối hợp với các Sở, ngành chức năng đi kiểm tra, lấy mẫu định kỳ, Ban Quản lý chợ còn thường xuyên tuyên truyền vận động tiểu thương nâng cao ý thức, tuân thủ quy định kinh doanh với từng loại thực phẩm, đảm bảo an toàn cho các mặt hàng kinh doanh trong chợ, bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương cho biết.
Cùng với 230 chợ truyền thống, Thành phố Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối là chợ Nông sản Thủ Đức (thành phố Thủ Đức), chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8), chợ đầu mối Nông Sản Thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn), đáp ứng 60 - 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Đây cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm vì sản lượng hàng hóa lớn, nhập về từ nhiều nơi.
Mỗi ngày chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Hóc Môn tiếp nhận 2.300 tấn thực phẩm, trong đó, 1.600 tấn rau củ, 320 tấn trái cây, 380 tấn thịt lợn (tương đương 5.000 - 6.000 con) cả trong nước và nhập khẩu. Để đảm bảo chất lượng, đội Quản lý an toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra hàng hóa vào chợ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vòng truy xuất với thịt lợn, phối hợp cùng Ban Quản lý chợ tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm, giúp thương nhân nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi kinh doanh.
Giám sát thực phẩm từ chợ đầu mối đến chợ truyền thống được xem là giải pháp hữu hiệu để Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao hàng rào bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm “bẩn”. Với việc triển khai thí điểm “Dự án mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” từ năm 2018, đến nay Thành phố đã có 46 mô hình chợ an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, giám sát thực phẩm tại chợ chỉ là phần ngọn trong hành trình đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, việc kiểm soát theo chuỗi từ khâu trồng trọt, thu hái, bảo quản vận chuyển mới là căn cơ để thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ nơi tiêu thụ là Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương vùng nguyên liệu, sự chung tay của chính nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với 15 tỉnh, thành có kết nghĩa để triển khai xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, tập trung vào thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn, đảm bảo thực phẩm sạch từ nơi sản xuất, về đến siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống, hay các bếp ăn trường học, công nghiệp. Theo sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc ngày càng đông, nhưng vẫn ít so với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh triển khai các chuỗi truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ rau, củ, quả, đến thịt, trứng, thủy hải sản, hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, nhất là những doanh nghiệp đã có sẵn chuỗi xuất khẩu. Đảm bảo an toàn thực phẩm phải đi từ gốc, thay vì chỉ làm phần ngọn”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm.
Giám sát an toàn thực phẩm tại chợ là rất cần thiết để nâng cao ý thức của người bán, hạn chế nguy cơ thực phẩm bẩn đến tay người dân, nhưng chưa đủ để đẩy lùi thực phẩm bẩn, nếu thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng, sự hưởng ứng của hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và nhất là ý thức tiêu dùng thông minh của người dân, để vừa tự bảo vệ mình, vừa tạo chỗ đứng cho thực phẩm sạch trên thị trường.