Cuộc đua căng thẳng vào lớp 10 công lập

Từ ngày 2/6 các học sinh tại TP Hồ Chí Minh sẽ bước vào kỳ thi lớp 10, đây được xem là một kỳ thi rất quan trọng và căng thẳng không chỉ đối với học sinh mà ngay cả các bậc phụ huynh. Để giành được một suất vào lớp 10 công lập, nhiều học sinh đã lên kế hoạch ôn luyện ngay từ khi bắt đầu kỳ nghỉ hè lớp 8.

Cấp tập ôn luyện

Ghi nhận của phóng viên, tại một trung tâm luyện thi trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) vào khoảng tầm 5 giờ chiều rất đông phụ huynh đưa con đến trung tâm này học thêm, luyện thi… Trong đó có rất đông học sinh vừa kết thúc môn học tại trường chưa kịp nghỉ ngơi, phải tranh thủ mua tạm một ổ bánh mì, hộp xôi được bán ở trước trung tâm vội vã chảy thẳng vào lớp luyện thi.

Chú thích ảnh
Cuộc đua vào lớp 10 công lập năm nay sẽ căng thẳng hơn khi số học sinh dự thi tăng còn chỉ tiêu giảm dần. 

Vừa kết thúc một ngày học ở trường, Hoàng Yến học sinh trường THCS Minh Đức (Quận 1) được mẹ đưa đến trung tâm trung tâm luyện thi ở quận 5. Không muốn con ăn uống ở ngoài đường, mẹ của Yến nấu đồ ăn mang theo, vì lịch học dày đặc, nên rất ít khi em được ăn cơm tại nhà. Theo Hoàng Yến, để có thể vào được trường THPT Lê Quý Đôn, em đã bắt đầu luyện thi tại trung tâm từ khi nghỉ hè lớp 8. Không chỉ luyện thi ở trung tâm em còn được bố mẹ thuê hẳn gia sư về dạy học. Hoàng Yến chia sẻ: “Em thường tranh thủ học bài những môn phụ ở trường, sau khi đi học ở trung tâm xong tối về tiếp tục ôn bài và chuẩn bị bài tập cho ngày hôm sau. Hầu như tối nào em cũng thức học bài đến gần 1 giờ sáng mới đi ngủ. Ăn uống thì em cũng tranh thủ lúc đến trung tâm luyện thi”. “Đề thi vào lớp 10 năm nay không thay đổi nhiều, nhưng tỷ lệ chọi lại cao nên em hơi lo, tuy cực nhưng em cũng phải cố gắng hơn”, Yến chia sẻ thêm.

Tương tự, Nguyễn Cao Minh, học sinh trường THCS Nguyễn Du cũng bắt đầu đi luyện thi ở trung tâm từ khi nghỉ hè lớp 8. Em cho hay: “Năm nay tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập cao hơn so với mọi năm nên em cũng hơi lo lắng. Ngoài học trên trường em còn đăng ký luyện thi ở trung tâm các môn Toán, Văn. Nguyện vọng ban đầu của em là vào trường Bùi Thị Xuân, trường này có điểm trúng tuyển khá cao nên em phải học nhiều hơn nữa”.

Không chỉ có học sinh, phụ huynh cũng như “ngồi trên đống lửa” khi nghe thông tin năm nay số học sinh vào lớp 10 công lập giảm hơn so với những năm trước. Nhiều phụ huynh không chỉ tìm trung tâm luyện thi mà còn chạy đôn chạy đáo tìm thuê gia sư về tận nhà kèm cho con mình. Chị Đặng Huyền Phương (quận Bình Thạnh) có con đang học lớp 9 tại trường THCS Lam Sơn cho biết, ngoài học thêm ở trên trường, ngay khi vừa kết thúc học kỳ 2 lớp 8, chị đã tới trung tâm luyện thi để đăng ký cho con trai chuẩn bị thi vào lớp 10. “Để cháu có thể nắm vững kiến thức và ôn tập tốt hơn, tôi đang tìm gia sư đến dạy cho cháu. Thấy cháu học ngày học đêm vất vả mình cũng thấy xót nhưng để giành được suất vào lớp 10 công lập thì cũng đành chịu chứ biết làm sao bây giờ”, chị Phương chia sẻ thêm.

Cô Trần Tuyết Sương, Phó hiệu trưởng chuyên môn trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) chia sẻ, không ít phụ huynh tìm 2 đến 3 giáo viên để dạy một môn học cho con, khiến học sinh rối và hoang mang, không biết học theo cách nào. Việc học thêm tập trung vào luyện thi quá nhiều sẽ khiến cho học sinh căng thẳng, không có thời gian nghỉ ngơi và lo cho bài vở trên lớp, dẫn đến khi vô lớp học cần điểm thực tế lại không đáp ứng được. Phụ huynh không nên tạo áp lực cho con, mà cần lên lịch học một cách khoa học, các em phải vừa học vừa được nghỉ ngơi.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, cấu trúc đề thi năm nay sẽ không thay đổi, lối ra đề sẽ tiếp tục được thực hiện theo định hướng tăng cường tính thực tiễn, khuyến khích học sinh tư duy, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề. Các em học sinh cần ôn tập kiến thức một cách hệ thống, nắm chắc kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề trong chương trình. Không học tủ, không học vẹt vì đề thi luôn ra theo hướng đọc hiểu từng nội dung.

Căng não chọn nguyện vọng

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2018 - 2019 toàn thành phố có khoảng 105.000 học sinh. Với chủ trương giảm dần tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập, dự kiến kỳ tuyển sinh 2019 -2020 chỉ tuyển khoảng 70.000 học sinh. Như vậy, ước tính sẽ có khoảng 35.000 học sinh trượt lớp 10 công lập.

Chú thích ảnh
Nhiều học sinh tập trung ôn thi không có thời gian nghỉ ngơi.

Để chắc chắn có một suất, bên cạnh kế hoạch ôn tập, nhiều phụ huynh và học sinh đã phải cân nhắc kĩ hơn khi lựa chọn các nguyện vọng. Hoàng Yến cho biết, nguyện vọng 1 của Yến sẽ là trường THPT Lê Quý Đôn, nguyện vọng 2 trường THPT Trưng Vương, nguyện vọng 3 sẽ vào trường THPT Ernst Thalmann. “Để được vào lớp 10 công lập em đã phải rất cân nhắc trong lựa chọn nguyện vọng. Dựa trên lực học của mình, em tham khảo điểm trúng tuyển năm trước của từng trường em muốn vào học để đưa ra quyết định. Để an toàn hơn, mỗi nguyện vọng các trường cũng phải cách nhau 3 - 4 điểm”, Hoàng Yến chia sẻ.

Còn hai mẹ con chị Trần Thị Quân (quận Gò Vấp) cũng băn khoăn chưa biết chọn vào trường nào với sức học trung bình. Dự kiến sẽ đăng ký vào trường THPT Nguyễn Trung Trực, THPT Gò Vấp còn nguyện vọng cuối cùng sẽ đăng ký vào một trường ở quận Bình Thạnh - trường có điểm trúng tuyển thấp hơn. “Gia đình không có điều kiện để cho bé học ở trường tư thục nên phải cố gắng bằng mọi cách để có thể thi đậu vào một trường công lập, học cho đỡ tốn kém. Tôi dự định đăng ký vào trường học ở ngoại thành, học một năm rồi xin chuyển về gần nhà học. Miễn sao có trường công lập để học đã rồi tính sau. Chịu khó đi học xa nhà một thời gian”, chị Quân chia sẻ.

Nhưng ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, hiện nay chất lượng cở sở vật chất, đội ngũ giáo viên đồng đều, nhà trường cần thực hiện tốt công tác định hướng cho học sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường cơ bản phù hợp với năng lực bản thân, không nên chọn trường quá xa nhà để thuận tiện trong việc đi học. Tránh việc đăng ký xong nhưng không thể đi học vì đường xa, lúc này có muốn thay đổi nguyện vọng ngay từ đầu năm cũng không được vì Sở không giải quyết.

Đan Phương/Báo Tin tức
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tại trường học
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tại trường học

Ngày 19/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 1074/BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN