Lũ tiếp bão, các tỉnh miền Trung oằn mình trước khắc nghiệt thiên nhiên. Chia sẻ những nhọc nhằn của người dân miền Trung, quân và dân cả nước dồn sức, dồn lực cùng khắc phục hậu quả.
Trung tuần tháng 11, các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã có mưa to đến rất to, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên -Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lũ trên các sông lên nhanh, nhiều nơi vượt mức lũ lịch sử gây ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại nặng nề về sinh mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống nhân dân, nhất là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.
Nghị lực nơi cơn lũ đi qua
Tại trường Tiểu học số 1 Quảng Phước, một trong những nơi thấp trũng nhất huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế), thầy Nguyễn Khắc Quang, Hiệu Phó nhà trường cho biết: Hiện nay hầu hết các đoạn đường đến trường bị ngập sâu nhưng việc học hành của các em vẫn tiếp tục nhờ nhà trường chủ động kết hợp với phụ huynh và địa phương để đưa các em ngày 2 buổi đến trường an toàn.
Ông Phan Minh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định trao hàng cứu trợ lũ lụt cho bà Nguyễn Thị Tín,103 tuổi tại thôn Chánh Mẫn (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát). Viết Ý-TTXVN |
Quảng Ngãi, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng do đợt lũ vừa qua, UBND tỉnh đã lập 5 đoàn công tác về các địa phương để chỉ đạo cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp các vùng dân cư còn bị cô lập. Ngành Giao thông Vận tải huy động mọi lực lượng phương tiện tập trung khắc phục, thông các tuyến đường giao thông từ tỉnh đến tất cả các huyện miền núi. Các huyện hỗ trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch và nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân; xử lý các giếng nước bị ngập, xử lý môi trường, khống chế dịch bệnh. Nhân dân được hỗ trợ khắc phục tạm thời các nhà bị sập đổ, hư hỏng. Quảng Ngãi cũng đã tập trung khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Ngày 18/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo và chủ động đưa nhân dân đang ở các điểm sơ tán trở về nhà đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để tình trạng thiếu đói, dịch bệnh xảy ra; huy động lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ưu tiên trước mắt cho việc tập trung sửa chữa, dọn vệ sinh trường học, trạm xá bị hư hỏng, xử lý vệ sinh môi trường nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất; nghiêm cấm người dân ra sông vớt củi. Các sở, ban, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thu gom rác thải, giải quyết tốt vệ sinh môi trường vùng bị lũ lụt; thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước; khôi phục các cơ sở y tế để phục vụ khám chữa bệnh, khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đất trên tuyến đường.
Những nỗ lực của người dân và chính quyền sở tại cho thấy một nghị lực phi thường và tinh thần quả cảm của con dân đất miền Trung, mảnh đất vốn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi do thiên tai, bão lũ.
Chung sức, chung lòng
Chia sẻ những mất mát, tổn thất với nhân dân miền Trung, đồng bào cả nước và các cấp các ngành đã và đang nỗ lực những biện pháp giúp bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 887 đã được điều động đến những địa phương bị ngập nặng ở huyện Nghĩa Hành để cùng chính quyền và người dân khắc phục hậu quả. Vừa hành quân đến nơi, cán bộ, chiến sĩ đã bắt tay ngay vào giúp các trường học dọn dẹp hiện trường ngổn ngang để các em học sinh sớm được đi học trở lại. Trước tình trạng người dân miền núi xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) bị cô lập, phải sống cảnh “màn trời, chiếu đất” do lũ, sạt lở núi, ngày 18/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã điều động hàng chục chiến sĩ, 3 xe vận tải chuyên dụng và 11 nhà bạt lên dựng nhà tạm cho đồng bào.
Từ ngày 19 - 21/11, hàng ngàn người dân (chủ yếu người già và trẻ em) tại các xã vùng lũ lụt tại các huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Mộ Đức, Trà Bồng và Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã được khám và cấp thuốc miễn phí với các bệnh thường gặp sau lũ. Các cán bộ y tế cũng hướng dẫn cho bà con cách phòng, chống các bệnh thường gặp sau bão lũ. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cử các y, bác sĩ khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn người dân tại các vùng lũ của tỉnh.
Tại Quảng Nam, thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế tặng quà cho nhân dân vùng bị lũ lụt nặng nhất tỉnh Quảng Nam gồm các xã: Đại Phong, Đại Chánh (huyện Đại Lộc), Điện Thắng Nam, Điện Nam Bắc (huyện Điện Bàn) 400 suất quà, trị giá mỗi suất 2,1 triệu đồng.
Tại Bình Định, ngày 19/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã về thăm, kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ chia buồn đến các gia đình có người bị chết trong lũ và gửi lời thăm hỏi đến toàn bộ cán bộ, quân và dân trong tỉnh đã trải qua một trận lũ dữ vừa qua. Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và công tác chỉ đạo, tổ chức của lãnh đạo và các ngành của tỉnh trong việc thực hiện các phương án sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ kịp thời cho người dân vùng lũ cũng như công tác khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định đời sống sản xuất của nhân dân. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những kiến nghị của địa phương với Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí, giống lúa và rau màu các loại để tỉnh triển khai kịp vụ sản xuất đông xuân 2013 - 2014.
Những nỗ lực của nhân dân miền Trung cùng những sẻ chia của quân và dân cả nước đã làm nổi bật truyền thống đoàn kết yêu thương, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Hy vọng cùng với sự chung tay của cả cộng đồng, người dân các tỉnh miền Trung sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất.
P.V