Cống hiến sức trẻ, lan tỏa những điều tốt đẹp

Trong tháng Ba, Tháng Thanh niên 2024 với chủ đề "Thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", nhiều tấm gương cống hiến thầm lặng là niềm cảm hứng cho tuổi trẻ cả nước chung tay làm điều có ích, cống hiến hết mình để cuộc sống cộng đồng tốt đẹp hơn.

Tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Nhóm thiện nguyện Fly To Sky Lê Văn Phúc. Ảnh: TTXVN phát

Lê Văn Phúc (sinh năm 2002, ở Gia Lai) hiện là sinh viên năm thứ 3 Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam. Em là một trong 9 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 với những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực hoạt động xã hội của mình.

Lê Văn Phúc thành lập nhóm Fly To Sky từ năm 2018, khi mới 16 tuổi. Nhóm là tổ chức phi lợi nhuận, khởi đầu với 40 thành viên. Lần đầu tiên làm thiện nguyện, nhóm quyên góp được 1 triệu đồng, tặng một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những giọt nước mắt xúc động của các thành viên trong gia đình khi nhận số tiền nhóm gửi tặng là trải nghiệm đầu tiên để lại ấn tượng sâu sắc, giúp Văn Phúc có động lực nhiều hơn cho các hoạt động thiện nguyện. 

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Nhóm thiện nguyện Fly To Sky Lê Văn Phúc cùng các thành viên trong một hoạt động tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TTXVN phát

Qua hơn 5 năm hoạt động, nhóm Fly To Sky hiện có khoảng 200 thành viên chính thức ở Thành phố Hồ Chí Minh và Gia Lai cùng trên 6.700 tình nguyện viên trên khắp cả nước. Nhóm mở rộng hoạt động ở 5 lĩnh vực chính, gồm: Văn hóa, Giáo dục, Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Hỗ trợ kinh tế - An sinh xã hội và Năng lượng sạch - Môi trường bền vững với 27 dự án cộng đồng, hơn 150 chương trình, chiến dịch tại Gia Lai và 22 tỉnh, thành phố khác trên cả nước với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. 

"Hoạt động tình nguyện giúp tuổi trẻ Việt Nam thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và đất nước; phát huy tinh thần nhiệt huyết, lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết chia sẻ, phát triển bản thân, qua đó dần trưởng thành hơn và định hướng trở thành những công dân tiêu biểu, thanh niên tiên tiến", Lê Văn Phúc chia sẻ.

Với Lê Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1993, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), sau những lần chia sẻ tâm tư, mơ ước cùng người khuyết tật, cô gái trẻ nảy ra ý tưởng tạo công việc cho họ thông qua làm hoa giấy. Nhàn quyết định xin nghỉ việc để thực hiện dự định của mình.

Chú thích ảnh
Thanh Nhàn (áo xanh) đang giao tiếp với các bạn khuyết tật bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Tường Vi/ TTXVN

Để tiếp cận được với người khuyết tật, Nhàn quyết định “sống trong im lặng”, hơn 1 tháng trời coi mình là người câm điếc thực thụ. Cô học ngôn ngữ ký hiệu, qua đó hiểu được cách giao tiếp, kiên trì hướng dẫn các bạn khuyết tật làm hoa giấy, tạo cơ hội để họ sáng tạo theo sở thích bản thân. 

Năm 2019, Nhàn dành hết tiền tích góp xây dựng nên ngôi nhà Lavin Home. Ngôi nhà hiện đón nhận và giúp sức cho 8 bạn bị câm điếc và mắc bệnh xương thủy tinh kiếm sống bằng nghề làm hoa giấy. Sản phẩm các bạn làm ra được Nhàn bán và trả lương tháng 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, Lavin Home đã gắn kết và giúp đỡ 17 mảnh đời kém may mắn, nhiều em đã học được nghề và tự khởi nghiệp để nuôi sống bản thân. Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ: “Tôi hy vọng, Lavin Home mãi là điểm đến giúp các bạn khiếm khuyết trở thành những bông hoa rực rỡ và tỏa sáng trong cuộc đời”.

Những ngày tháng 3 của Tháng Thanh niên sôi nổi, nữ diễn viên xiếc Lô Thị Ngọc Thúy (dân tộc Nùng) vinh dự nhận được danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, đồng thời lọt vào danh sách 9 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023. Những nỗ lực vượt khó, kiên trì với đam mê nghệ thuật xiếc của Ngọc Thúy là câu chuyện truyền cảm hứng, khuyến khích, động viên nhiều người, nhất là giới trẻ, có tài năng, tích cực rèn luyện để vươn đến những mốc son trong sự nghiệp. 

Chú thích ảnh
Nghệ sỹ ưu tú Lô Thị Ngọc Thúy (trái) cùng người thầy là nghệ sỹ ưu Tú Đỗ Văn Hùng. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Khóa đào tạo diễn viên xiếc của Thúy bắt đầu với 50 học viên. Sau 5 năm, chỉ còn phân nửa trụ được đến khi ra trường. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cô gái dân tộc Nùng 16 tuổi nuôi hy vọng xây dựng sự nghiệp tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. 

Năm 2019, tiết mục “Nhào lộn trên sào” của Lô Thị Ngọc Thúy giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Xiếc quốc tế diễn ra tại Hà Nội và Huy chương Vàng tại Liên hoan Xiếc thế giới tổ chức tại Quảng Ninh. Đúng vào thời điểm sự nghiệp đang lên, Thúy bất ngờ gặp sự cố trong khi luyện tập, bị chấn thương cột sống.  

Không chùn bước trước khó khăn, nỗ lực rèn luyện và sáng tạo, năm 2021, Ngọc Thúy giành giải Nhất Cuộc thi tài năng Xiếc toàn quốc với tiết mục “Ngày hội vùng cao”. Cô gái 30 tuổi đã có 20 năm gắn bó với nghệ thuật xiếc chia sẻ, chọn gắn bó với xiếc, cái khó nhất là giữ được nhiệt huyết với nghề. Nhiều nghệ sỹ mời cô “chuyển nghề”, làm việc cho các công ty tư nhân để có công việc nhẹ nhàng hơn và tăng thu nhập nhưng Ngọc Thúy khẳng định sẽ luôn luôn “chung tình” với xiếc. 

Chú thích ảnh
Nghệ sỹ ưu tú Lô Thị Ngọc Thúy và các diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trình diễn tiết mục "Đu sen". Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Lan tỏa năng lượng sống tích cực  

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thanh niên phải tiên phong, tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; trong những việc khó, việc mới; sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đến với những người nghèo, người yếu thế; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần".

Bên cạnh những tấm gương truyền cảm hứng còn hàng trăm, hàng nghìn việc làm, nghĩa cử mà tuổi trẻ cả nước đang thực hiện, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp, mang đến năng lượng sống tích cực cho cộng đồng, xã hội. 

Mới đây, ngày 20/3, Đoàn Thanh niên và Ban Nữ công, Công ty Điện lực Quảng Bình tổ chức chương trình “Bữa cơm yêu thương” cho người già, trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Đơn vị cũng mua sắm vật tư thiết bị, hỗ trợ nhân công sửa chữa, lắp mới thiết bị chiếu sáng tại Trung tâm, góp phần làm ấm lòng những mảnh đời yếu thế, tiếp thêm động lực giúp họ vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
80 suất ăn bổ dưỡng, chất lượng do Đoàn thanh niên và Ban nữ công thuộc Công ty Điện lực Quảng Bình làm ấm lòng những mảnh đời yếu thế trong xã hội. Ảnh: TTXVN phát

Trong chương trình Tháng Ba Biên giới 2024, các cấp bộ Đoàn phối hợp với tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, Đồn Biên phòng vùng ven biển tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng học bổng trong chương trình “Nâng bước em tới trường - con nuôi Đồn Biên phòng”; duy trì mô hình “Tiết học Biên cương”; trồng cây xanh, phát quang ường giao thông nông thôn, thu gom rác thải… 

Từ một xã thuần nông nghèo, xuất phát điểm thấp, tháng 11/2023, An Thái (huyện Quỳnh Phụ) là địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Bình được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, mô hình do Đoàn thanh niên xã xây dựng đã góp phần giúp địa phương đạt thành tích trên, điển hình như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; Cổng trường an toàn giao thông; Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; Vườn thanh niên; Tổ công nghệ số cộng đồng…

Với tinh thần nhiệt huyết và sức trẻ, các công trình, phần việc do thanh niên đảm nhiệm được triển khai rộng khắp trên cả nước, càng sôi nổi hơn trong Tháng Thanh niên.

Sôi nổi các hoạt động xung kích, tình nguyện

Năm 2024 - năm thứ 20 thực hiện Tháng Thanh niên, tuổi trẻ cả nước triển khai nhiều hoạt động nổi bật với chủ đề "Thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng". 

Trong Tháng Thanh niên năm nay, Trung ương Đoàn xác định các đợt cao điểm trong toàn Đoàn như: Tổ chức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2024; kết nối các đội tình nguyện; ra mắt Cổng tình nguyện Quốc gia; triển khai xây dựng, bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… Tại các địa phương đồng loạt tổ chức Ngày Chủ nhật xanh, Ngày cao điểm tình nguyện xây dựng đô thị văn minh, Chương trình Tháng Ba biên giới, Ngày hội Thiếu nhi vui, khỏe - Tiến bước lên Đoàn… Các địa bàn trọng tâm là khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các Làng thanh niên lập nghiệp, Đảo thanh niên; 63 thôn, bản, ấp, khó khăn xây dựng nông thôn mới; nơi có 14 dân tộc thiểu số quy mô dân số dưới 10.000 người sinh sống; chú trọng tới thanh, thiếu nhi và đồng bào các dân tộc thiểu số…

Tháng Thanh niên cũng là dịp để Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo cho thanh niên. Dự kiến ngày 25/3 tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn. Dịp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt, biểu dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023. Với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với thanh niên sẽ xoay quanh chủ trương, chính sách hiện nay đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia; cơ chế, chính sách, nguồn lực của Nhà nước trong việc hỗ trợ, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; biểu dương sự tham gia, cống hiến của thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành sẽ lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của thanh niên và định hướng giải quyết các kiến nghị, đề xuất này.

Cùng với đó, Trung ương Đoàn triển khai ngày cao điểm “Ngày Đoàn viên”, thành lập mới tổ chức Đoàn ở các khu vực đặc thù, trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024. Trung ương Đoàn cũng sẽ tổ chức diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” giữa Ban Bí thư Trung ương Đoàn với đoàn viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài nước với chủ đề “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên".

Nam Anh (TTXVN)
Tháng Thanh niên 2024: Khởi nghiệp thành công từ mô hình nông nghiệp sạch 
Tháng Thanh niên 2024: Khởi nghiệp thành công từ mô hình nông nghiệp sạch 

Mặc dù đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Ngô Hoàng Khiêm (sinh năm 1992, ấp Lái Viết Ngọn, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), là đoàn viên Chi đoàn ấp Lái Viết Ngọn, đã không ngừng phấn đấu để thi đỗ đại học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN