Trước đó, hiện tượng sập sụt, lún nứt đất xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2007 tại khu vực thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn; sau đó xuất hiện trở lại vào tháng 12/2013 nhưng không nhiều.
Từ năm 2015 đến nay, các hố sụt đất xuất hiện với tần suất ngày càng tăng, phạm vi ngày một rộng hơn, kéo dài 6,5km thuộc địa phận hành chính của 3 xã, thị trấn của huyện Chợ Đồn, làm hư hỏng nhà cửa, cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến đời sống, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã giao Trung tâm Công nghệ địa vật lý và địa kỹ thuật lập đề cương nghiên cứu chi tiết và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1570/QĐ-BTNMT ngày 17/5/2018 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như đánh giá hiện trạng sập sụt đất, nứt đất khu vực thị trấn Bằng Lũng, xã Ngọc Phái, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; xác định nguyên nhân, dự báo nguy cơ, đề xuất giải pháp phòng tránh, khắc phục hậu quả và định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng sập sụt, nứt đất trong vùng nghiên cứu xảy ra chủ yếu tại các thung lũng giữa núi được thành tạo bởi các trầm tích aluvi, deluvi, proluvi; kéo dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam dọc theo suối Khau Cun, từ bản Ỏm, xã Ngọc Phái đến bản Lắc, xã Bằng Lãng. Các nhà khoa học đã ghi nhận được 148 hố sụt đất và 14 vết nứt đất chính, tập trung chủ yếu ở cánh đồng Nà Bưa, xã Ngọc Phái và bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng.
Kết quả nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân gây sập sụt, lún nứt đất trong vùng nghiên cứu là do hiện tượng hạ thấp mực nước ngầm trong vùng karst; để giảm thiểu, tiến tới không để xảy ra hiện tượng sập sụt, lún nứt đất trong vùng cần có giải pháp điều chỉnh, giữ ổn định mực nước ngầm ở trạng thái cân bằng tự nhiên, không để mực nước ngầm bị hạ thấp, xảy ra trong diện rộng. Mực nước ngầm trong vùng bị hạ thấp từ 21,08m đến 30 m xảy ra trong diện rộng là nguyên nhân gây ra hiện tượng sập sụt, lún nứt đất xuất hiện trong thời gian qua.
Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị chính quyền địa phương các cấp và cơ quan quản lý chuyên môn cần tập trung xác định nguồn gây hạ thấp mực nước và xem xét có biện pháp, chế tài thích hợp theo các quy định hiện hành của Nhà nước.Đại phương cần kiểm tra, giám sát chặt các cơ sở, đơn vị, tập thể, cá nhân trong vùng có hoạt động bơm hút, sử dụng nguồn nước ngầm.
Trao đổi ý kiến trong buổi công bố nguyên nhân, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Triệu Huy Chung đề nghị dừng tất cả hoạt động bơm, hút nước ngầm khi khai thác khoáng sản tại khu vực này; có giải pháp xử lý các hố sụt vì hiện tại ở các địa bàn vẫn còn 26 hố sụt chưa được san lấp, 50 nhà dân, 6 công trình xây dựng bị ảnh hưởng nhưng chưa được khắc phục.
Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” thực hiện ở giai đoạn này chủ yếu chỉ tập trung vào các công tác điều tra hiện trạng và khảo sát địa chất trên diện tích 15 km2. Khối lượng thực hiện các hạng mục công việc so với mức độ phức tạp của cấu trúc địa chất, diện tích khảo sát là khá thấp, vì vậy trong thời gian ngắn chưa thể đưa ra một giải pháp kỹ thuật hiệu quả ở thời điểm này.
Tuy nhiên, dựa trên các kết quả khảo sát, phân tích đánh giá sập sụt đất, Viện đã chỉ ra và phân chia diện tích nghiên cứu thành các khu vực cụ thể, tương ứng với 4 cấp độ cảnh báo (nguy cơ cao, trung bình, thấp và rất thấp), làm cơ sở cho chính quyền địa phương tham khảo, sử dụng trong quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở kết quả nhiệm vụ nghiên cứu đã công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên chỉ đạo tiếp tục tạm dừng việc bơm, hút nước trong khai thác khoáng sản tại Chợ Đồn. Tỉnh đề nghị Viện Khoa học địa chất và khoáng sản tiếp tục báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiên cứu sâu hơn để đưa ra được giải pháp căn cơ, bảo đảm hài hòa, ổn định, an toàn đời sống nhân dân và phát triển kinh tế.