Người lao động sau khi thất nghiệp luôn mong muốn có một khoản hỗ trơ từ việc đóng BHXH thường xuyên để ổn định cuộc sống. |
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết các doanh nghiệp, đơn vị bị công bố còn nợ BHXH kéo dài lần này là những doanh nghiệp có mức nợ trên 300 triệu đồng (tính đến hết ngày 30/6).
Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ đóng BHXH của các doanh nghiệp trên, đồng thời chuyển danh sách các doanh nghiệp đang nợ BHXH xuống quận, huyện để cán bộ quận huyện đôn đốc, vận động các doanh nghiệp này thanh toán sớm. Việc giải quyết các khoản nợ BHXH sớm ngày nào thì đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động sớm ngày đó.
Theo đó, những doanh nghiệp được công bố danh tính nợ BHXH lần này là: Công ty Cổ phần Mai Linh miền Nam (nợ 54,2 tỉ đồng), Công ty TNHH Nhà máy Sửa chữa và Đóng tàu Sài Gòn (nợ 38 tỉ đồng), Công ty TNHH Nam Phương (nợ 28 tỉ đồng)… Nguyên nhân nợ BHXH chủ yếu do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, không có khả năng đóng BHXH.
Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị không chịu nộp BHXH dù vẫn có điều kiện. Trong các doanh nghiệp trên, Công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Sài Gòn (Sài Gòn Shipyard) cũng vừa bị BHXH TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 135 triệu đồng vì chậm đóng BHXH cho người lao động.
Để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH trên cả nước, mới đây BHXH Việt Nam cũng đã gửi công văn lưu ý BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị có số nợ đọng BHXH, BHYT (bảo hiểm ý tế) lớn; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Đối với các đơn vị cố tình chây ì, BHXH tỉnh, thành cần chuyển hồ sơ lên BHXH Việt Nam để cơ quan điều tra vào cuộc xử lý, đòi lại quyền lợi cho người lao động.