Coi nhẹ an toàn lao động làng nghề

Ở làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình), có trên 50% lực lượng lao động làm “thợ đá”, tình trạng không mang khẩu trang ngừa bụi diễn ra khá phổ biến. Người lao động cũng không mấy quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ, hay chuyện làm việc và sống trong môi trường đầy bụi đá ảnh hưởng đến sức khỏe của mình như thế nào...

Lơ là từ chủ đến thợ


Đến khu tập trung các xưởng chế tác đá của xã Ninh Vân, nhiều người có cảm giác như bị chìm vào bầu không khí ngột ngạt bởi bụi đá và tiếng ồn từ các loại máy cưa, máy cắt đang hoạt động. Chị Lưu - 37 tuổi, làm việc cho Công ty đá mỹ nghệ Lâm Tạo được hơn 5 năm - vừa kể: “Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân xưởng đá, thu nhập được vài triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Vì thế, chúng tôi đã quyết định bỏ ruộng để làm nghề này lâu dài”.

Người lao động tại làng đá Ninh Vân làm việc trong điều kiện trang bị lao động rất thô sơ.


Mặc dù cho nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với nghề làm ruộng, nhưng nghề đá tiềm ẩn không ít rủi ro với những người lao động ở xã này. Các nhà xưởng ở đây thường không tuân thủ những quy định về an toàn lao động, các chủ doanh nghiệp lại ít quan tâm đến việc tạo điều kiện để người lao động được khám sức khỏe định kỳ. Khi được hỏi về việc công ty, nhà xưởng có quy định hay chế độ nào liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe cho người lao động hay không, chị Lưu lắc đầu: “Ai sợ bụi, sợ xây xước tay chân thì tự mua khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ lao động cho mình, chứ công ty không trang bị”. Anh Đông (41 tuổi) - đồng nghiệp của chị Lưu - cho biết: “Làm ở đây lâu rồi nhưng tôi chưa bao giờ thấy công ty tổ chức cho công nhân lao động đi khám sức khỏe định kỳ. Thực ra, chúng tôi cũng hiểu được làm việc trong môi trường nhiều bụi bặm như thế này thì sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, nhưng do hoàn cảnh chúng tôi cũng chưa thể tự đi khám, trừ những lúc bị bệnh”.


Đánh giá về 18 năm thi hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bùi Hồng Lĩnh cho biết: Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp tư nhân, hộ, tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn nhiều điểm chưa tốt. Người lao động hiện đang phải làm việc trong điều kiện lao động có nhiều yếu tố bất lợi, có nguy cơ làm gia tăng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sức khỏe người lao động ở loại hình doanh nghiệp này bị giảm sút nghiêm trọng. Kết quả khảo sát tại 2.000 cơ sở sản xuất vừa, nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên toàn quốc cho thấy, môi trường lao động của các cơ sở sản xuất đều bị ô nhiễm.

Không riêng xưởng đá Lâm Tạo mà ở những xưởng xung quanh, cảnh người lao động ít mang các phương tiện bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay diễn ra rất phổ biến. Ngay chuyện đeo khẩu trang, một thao tác vô cùng đơn giản giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình, nhưng không phải lao động nào cũng thực hiện. “Xưởng không có quy định người lao động khi làm việc ở đây phải đeo khẩu trang, găng tay bảo hộ nên ai thích đeo thì đeo, ai không thích đeo thì thôi”, anh Cao Xuân Lượng, một lao động trẻ cho biết.


Không chỉ thờ ơ với việc trang bị bảo hộ lao động, người làng nghề còn thiếu quan tâm đến các quyền lợi của mình trong trường hợp gặp tai nạn lao động. Khi được hỏi về chế độ bồi thường của công ty đối với những trường hợp gặp tai nạn trong quá trình lao động, anh Phạm Văn Thiệu (40 tuổi, thôn Đồng Quan), người có thâm niên làm nghề này hơn chục năm chia sẻ: “Việc này tôi không rõ, nhưng chắc là chủ sẽ bồi thường cho những trường hợp này thôi...”, anh Thiệu đáp.

Quy mô làng nghề tăng, mối lo ngày một lớn


Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, làng nghề đá mỹ nghệ có từ hàng trăm năm nay. Từ năm 1990, mô hình sản xuất cá nhân phát triển ngày càng mạnh và tạo nhiều công ăn việc làm cho người nông dân. Năm 2004, địa phương đã tiến hành quy hoạch 23 ha xây dựng khu sản xuất của làng nghề. Năm 2013, quy hoạch giai đoạn 2 khu sản xuất này đang tiếp tục được triển khai. Hiện nay, xã có khoảng trên 80 doanh nghiệp, thu hút 3.000 lao động (chiếm 53% tổng số lao động của địa phương) làm việc trong lĩnh vực này với mức thu nhập từ 100.000 - 500.000 đồng/người/ngày.


Hầu hết các con đường trong xã đều bị người dân biến thành nhà xưởng để sản xuất đá mỹ nghệ. Theo ông Diệu, trước nhu cầu ngày càng cao về mặt bằng sản xuất, tỉnh đã quyết định dành thêm 15 ha nữa để mở rộng quy mô nhà xưởng cho làng nghề. Có thể nói, đây là những tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng kéo theo mối lo ngày một lớn đối với đời sống người dân ở đây nói chung và những người thợ đá nói riêng. Bởi thực tế, chính quyền và doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến việc mở rộng quy mô làng nghề, chứ chưa có phương án nào nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động trực tiếp làm nghề và người dân trong xã.


Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN