Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 2/2021, không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm và yếu hơn hẳn so với tháng 1/2021. Rét đậm chỉ xuất hiện ngắn ngày và tập trung chủ yếu ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ.
Trong đó thời kỳ 10 ngày đầu tháng (1 - 10/2/2021), không khí lạnh hoạt động yếu, thời tiết ấm áp. Nhiệt độ khu vực phía Đông Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5 - 2,5 độ C. Khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 -2 độ C. Các khu vực còn lại xấp xỉ so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, theo dự báo, từ ngày 8 - 9/2 (tức ngày 27 - 28 Tết), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với quá trình hội tụ gió ở độ cao khoảng 5.000 m. Tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mặc dù dông lốc xảy ra trước Tết có cường độ không mạnh như thời điểm năm 2020, nhưng cần phải đề phòng có nơi xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh sau một chuỗi ngày liên tục ấm và ẩm. Đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía Bắc cần đề phòng có lốc, sét và mưa đá.
Còn trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, từ 11 - 20/2, không khí lạnh tiếp tục hoạt động yếu. Nhiệt độ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C. Các khu vực còn lại xấp xỉ so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thời tiết Tết Tân Sửu 2021 ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm và ít khả năng xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá như Tết Canh Tý 2020.
“Tết năm nay ở miền Bắc sẽ ấm, có nhiều khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù vào buổi sáng. Ở miền Trung nhiều mưa, nhiệt độ thấp hơn các năm trước, ở miền Nam tương tự như các năm, còn trên biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới”, ông Trần Quang Năng cho biết.