Cơ sở gây ô nhiễm phải di dời chưa tiếp cận được vốn ưu đãi

Năm 2012, tỉnh Đồng Nai quyết định di dời hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung.

Cùng với đó, tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ về chính sách, kinh phí nhằm giúp các cơ sở sớm di chuyển, ổn định sản xuất tại địa điểm mới. Đến nay, đã hơn 5 năm triển khai nhưng chưa có cơ sở nào tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện di dời.


Theo Quyết định số 21/2012/QĐ và Quyết định số 36/2013/QĐ của UBND tỉnh Đồng Nai, toàn bộ cơ sở sản xuất gốm khi di dời sẽ được vay vốn đầu tư trung, dài hạn với mức lãi suất thấp tại Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Đồng Nai. Các cơ sở chăn nuôi di dời từ nơi đông dân cư vào khu chăn nuôi tập trung sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay thương mại (lãi suất = 0%).


Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường thì được hỗ trợ theo quy chế tài chính của Chính phủ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cũng có những chính sách tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở phải di dời.


Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, quy định đã có từ nhiều năm song đến nay chưa có doanh nghiệp sản xuất gốm nào tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Đồng Nai. Nguyên nhân do hồ sơ vay vốn quá khắt khe, thủ tục rườm rà.


Hiện 25% cơ sở sản xuất gốm trong tỉnh đã xây nhà xưởng tại vị trí mới, tất cả đều phải sử dụng nguồn vốn tự có và vay từ các ngân hàng thương mại, chịu lãi suất cao. Hiện nay tỷ suất lợi nhuận của nghề gốm đang rất thấp, nếu không được hỗ trợ về vốn, doanh nghiệp sản xuất gốm sẽ gặp nhiều khó khăn, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.


Theo các chủ cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai, khi di dời, để được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, họ phải làm nhiều thủ tục, ngành chức năng yêu cầu nhiều loại giấy tờ để chứng minh số lượng vật nuôi. Để được hưởng hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay thương mại, cơ sở chăn nuôi cần đưa ra phương án sản xuất kinh doanh khả thi, lợi nhuận cao mới được ngân hàng xem xét.


Thống kê của Đồng Nai cho thấy, đến thời điểm này, trong số 40 cơ sở gốm sứ mỹ nghệ phải di dời mới chỉ có 25% cơ sở xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới. Có 25% cơ sở quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường đã di dời, con số này ở cơ sở quy mô bản cam kết bảo vệ môi trường là 55%.


Theo kế hoạch ban đầu, cuối năm 2015, Đồng Nai sẽ hoàn thành di dời cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung. Đến nay, qua gần 2 năm, mục tiêu không đạt, tỉnh đang quyết tâm đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành di dời. Để đạt được điều này, tỉnh cần tập trung giải quyết các khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn hỗ trợ.


Công Phong (TTXVN)
Khó xóa bỏ lò vôi thủ công gây ô nhiễm tại Thái Bình
Khó xóa bỏ lò vôi thủ công gây ô nhiễm tại Thái Bình

Theo lộ trình đến tháng 8/2017, tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành xóa bỏ toàn bộ 64 lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN