Không dễ để hẹn được Phương Thảo ở thời điểm này, bởi em đang trong giai đoạn nước rút, hướng dẫn đội tuyển Olympic Sinh học Việt Nam cho kỳ thi quốc tế sắp tới.
Trong căn phòng thí nghiệm của Đại học Khoa học Tự nhiên, nhóm bạn trẻ say mê với những bài tập thực hành về gen, phôi, tế bào… Đã vào giai đoạn "nước rút", các kiến thức chuyên môn nhiều, tâm lý thành viên nào của đội tuyển cũng khá căng căng thẳng, nhưng buổi học có sự hướng dẫn của Phương Thảo vẫn đầy những tiếng cười vui vẻ. Thảo như một người chị nhiều kinh nghiệm, truyền đạt lại kiến thức cho đàn em, tận tình hướng dẫn từng chi tiết nhỏ nhất để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới, nhất là với những dạng bài mà Thảo đã từng làm trong các mùa thi trước.
Em Lê Nam, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cho biết: “Chị Phương Thảo là một trong những người truyền cảm hứng học môn Sinh cho em nhiều nhất. Khi mới vào trường, em đã được các thầy cô giáo giới thiệu về chị Thảo. Em đã học hỏi theo các phương pháp, kinh nghiệm do chị Thảo truyền đạt và cảm thấy rất hiệu quả”.
Thảo quan niệm, khi học theo nhóm, mỗi người một chuyên môn sẽ bổ trợ, giúp nhau học và cùng thư giãn. Có như vậy, kiến thức mới dễ dàng được tiếp thu.
Thành quả của nỗ lực
Năm 2017, Phương Thảo đạt Huy chương Bạc IBO 2017 với tâm trạng… đầy tiếc nuối. Thảo cho biết, em bị điểm thực hành thấp kéo điểm chung xuống nên không đạt kết quả như ý. Không hài lòng với kết quả đó, Thảo quyết tâm “tu luyện” để "đổi màu huy chương" trong năm thi tiếp theo.
Năm 2018, Thảo được các thầy cô giáo tạo điều kiện học tập tại phòng thí nghiệm của trường nhiều hơn. Sự nỗ lực của người sinh viên giàu ý chí cũng như sự hỗ trợ của các thầy cô đã được đền đáp: Thảo cân bằng được điểm lý thuyết và thực hành, vươn lên giành Huy chương Vàng IBO 2018 và xếp thứ nhất toàn cuộc thi.
Chia sẻ về thành tích đặc biệt xuất sắc này, Thảo khiêm tốn không nhắc nhiều về bản thân mà cho biết rất tự hào vì Việt Nam không còn bị gọi là “vùng trũng về Sinh học” nữa.
"Khi tên mình được xướng lên cùng hình ảnh quốc kỳ Việt Nam, em cảm thấy rất hạnh phúc xen lẫn tự hào vì đã làm được điều gì đó cho đất nước dù rất nhỏ", Phương Thảo nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt.
Theo Nguyễn Phương Thảo, trong một kỳ thi Olympic quốc tế, để đạt được Huy chương Vàng, cần nhất là năng lực. Bên cạnh đó là một chút may mắn, nhưng không phải là sự may mắn "từ trên trời rơi xuống". Trong một cuốn sách Thảo đã từng đọc có câu rằng: May mắn không đến ngẫu nhiên mà do bạn đã tạo đủ các điều kiện để may mắn đến. Có lẽ những nỗ lực của Thảo đã khiến "Thần may mắn" mỉm cười.
Nguyễn Phương Thảo nhớ lại, ngay từ nhỏ, em đã tò mò về thế giới tự nhiên. Em thường thắc mắc: Tại sao có cây lá màu xanh, lại có cây lá màu đỏ. Bà của Thảo là người giúp Thảo trả lời những câu hỏi trên. Sự ra đi của bà vì căn bệnh ung thư quái ác là cú sốc rất lớn với Thảo, nhưng cũng truyền cho em thêm ý chí phấn đấu theo đuổi môn Sinh học.
Thảo mong muốn theo đuổi ngành di truyền học ung thư, trở thành nhà khoa học nghiên cứu y sinh và đưa ra các hướng mới cho điều trị bệnh ung thư.
"Em đang nghiên cứu về miễn dịch học ung thư, sử dụng hệ miễn dịch của chính bản thân để điều trị ung thư. Em mong rằng nó sẽ mở ra hướng điều trị ung thư tốt hơn là phương pháp hóa trị và xạ trị"- cô gái trẻ tâm sự.
Đánh đổi nhiều thời gian nhưng không ân hận
Phương Thảo kể về môn Sinh học với niềm yêu thích đặc biết. Em không quên bài học được các thầy cô dạy, rằng nếu vẽ các môn học trong nhà trường theo sơ đồ hình cái cây, thì môn Toán chính là gốc rễ vì kiến thức của Toán được áp dụng cho nhiều môn học khác, sau đó Lý, Hóa là thân và cành. Còn Sinh học chính là quả và hoa.
“Nói như vậy vì Sinh học là môn liên ngành, cần nhiều kiến thức ngành mảng khác nhau, yêu cầu cả kiến thức lý thuyết và thực hành. Môn Sinh học sống động như hoa và quả của cái cây đó”, Thảo ví von.
Dành khá nhiều thời gian cho việc học, khi nhìn các bạn bè cùng trang lứa đi hát karaoke, đi đá bóng hay học đàn, dù rất muốn tham gia, nhưng Thảo đành kiềm chế vì kì thi sắp đến gần. "Em tự hỏi có phải mình đã đánh đổi quá nhiều thời gian cho môn học này hay không. Nhưng rồi, em lại nhận ra rằng, nếu các bạn thích đá bóng thì đi đá bóng, mình thích học Sinh thì mình ngồi học Sinh. Để đạt được một điều gì đều phải đánh đổi" - Phương Thảo tâm sự.
Mong muốn của Thảo trong thời gian tới là thu hút thêm nhiều bạn trẻ đến với Sinh học. Hiện tại Thảo đang cùng nhiều bạn trẻ từng tham gia Olympic quốc tế lập trang web dành cho các bạn yêu thích Sinh học trên toàn thế giới.
“Có nhiều người quan điểm Sinh học là môn học thuộc, đó là một quan điểm hết sức sai lầm”, Thảo chia sẻ.
Sau mỗi đợt dồn sức cho các kỳ thi, hôm nào không có tiết học ở trường thì Thảo ở ký túc xá đọc thêm tài liệu, bài báo về Sinh học. Chiều đến, em vào thư viện tự học hoặc tham gia câu lạc bộ guitar, đi tập gym… Cô gái trẻ chia sẻ một vài mẹo hay mà bản thân đang áp dụng để giảm căng thẳng của việc học như: cứ 2 tiếng học thì dành thời gian nghe nhạc, đánh đàn; tối đến đi dạo hoặc làm việc mình thích; khi ngồi vào bàn học thì cứ 30 phút tập nhìn xa cho đỡ mỏi mắt…
"Hãy cố gắng xây dựng thời gian biểu cân bằng để tinh thần thoải mái nhất. Khi tinh thần thoải mái thì học tập mới đạt được hiệu quả cao nhất"- một bài học giản dị đã được "cô gái Vàng" môn Sinh học đúc kết. Bài học ấy cũng không hề xa rời với môn học mà cô theo đuổi, một môn học rất gần gũi, thiết thực với cuộc cuộc sống, với con người.
Nguyễn Phương Thảo đã vinh dự được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba. Em cũng vinh dự được TƯ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018. Trong số đó, Thảo là người trẻ nhất được trao thưởng, khi mới 19 tuổi.