Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Liên kết phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông

Cùng với Đề án xây dựng đô thị thông minh, cuối năm 2017, TP Hồ Chí Minh bắt đầu manh nha ý tưởng về Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.

Dựa trên nền tảng đã có ở khu vực phía Đông, đây là sẽ “hạt nhân” thúc đẩy phát triển thành phố nhanh và bền vững. Khu vực này hiện có nhiều điều kiện, tiềm năng để trở thành Khu đô thị sáng tạo, nhưng các yếu tố vẫn còn thiếu sự liên kết.

Nhiều điều kiện thuận lợi

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh hiện có xu hướng giảm nếu so sánh theo từng giai đoạn, đặc biệt là những năm gần đây và dự kiến trong các năm kế tiếp. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế thành phố từ bình quân 10,7% trong giai đoạn từ năm 1996 – 2005, 11,4% trong giai đoạn từ năm 2006-2010, xuống còn 9,6% trong giai đoạn từ 2011-2015 và dự kiến chỉ khoảng 8,7% trong giai đoạn từ 2016-2020.

Từ những yêu cầu từ thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, lãnh đạo thành phố đã đề xuất ý tưởng xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức với mục tiêu sẽ là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển thành phố nhanh và bền vững. Đây là nơi kết nối các thành phần, đơn vị thông qua các chuỗi giá trị, tích hợp các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tư nhân và nguồn lực công; nơi tạo ra các vườn ươm cho doanh nghiệp, cũng như cơ sở hạ tầng chung cho hoạt động kinh doanh; kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao.

Chú thích ảnh
Cầu Sài Gòn 2 và Xa lộ Hà Nội đã giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông của cửa ngõ phía đông Sài Gòn. 

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, việc quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo là chủ trương, định hướng chiến lược phát triển mới của TP Hồ Chí Minh nằm trên trục phát triển hướng Đông - Đông Bắc thành phố về phía Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế và có triển vọng trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thành phố dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là kinh tế tri thức và khoa học công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng, khu vực phía Đông đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành Khu đô thị sáng tạo. Cụ thể, có những đơn vị mạnh như Khu công nghệ cao Thành phố (Quận 9), Khu đô thị mới, trung tâm tài chính Quận 2 và 12 trường đại học trên địa bàn quận Thủ Đức. Đồng thời, cũng không thiếu những hoạt động, sáng kiến, chương trình được thiết kế, triển khai dựa trên những thế mạnh riêng của mỗi đơn vị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ những kinh nghiệm triển khai ở các nước cho thấy, Khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu và khu này đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp. Việc xây dựng khu đô thị sáng tạo cần được xem là một lộ trình chứ không phải là một đích đến cụ thể nào. Trong quá trình thực hiện lộ trình đó rất cần những đóng góp, sáng kiến từ cộng đồng, những ý tưởng có thể thực hiện ngay trong ngắn hạn. 

Tính đến tháng 9/2018, Khu công nghệ cao thành phố đã cấp 148 dự án còn hiệu lực trong đó tập trung ưu tiên thu hút đầu tư 4 lĩnh vực: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông (33,78%); Cơ khí chính xác - Tự động hóa (18,91%); Công nghệ sinh học (12,16%); Vật liệu mới - Năng lượng mới (4,05%). Theo đó, 4 lĩnh vực thu hút đầu tư này chiếm 68,9% và còn lại là các lĩnh vực dịch vụ, nghiên cứu, phát triển hạ tầng và đào tạo. 

Về những nền tảng cho Khu đô thị sáng tạo, theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao thành phố đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm các thành tố quan trọng như các doanh nghiệp lớn, các trường đại học, các tổ chức cấp vốn, các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ. Với hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, đồng thời có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, chắc chắn Khu công nghệ cao sẽ trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong lan tỏa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo phía Đông nói riêng và khu vực miền Nam nói chung.

Cần liên kết chặt chẽ

Theo các chuyên gia, việc lan tỏa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Khu công nghệ cao được thực hiện thông qua việc kết hợp với các thành phần trong khu đô thị sáng tạo như Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; các Khu công nghệ và Khu chế xuất; Khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các trường đại học, viện nghiên cứu. Điều này giúp hình hành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo, mang đến môi trường thuận lợi, tạo nên giá trị khác biệt trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Khu đô thị sáng tạo.

Tuy nhiên, để hình thành Khu đô thị sáng tạo, cần thiết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị nhằm tận dụng và khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Khu công nghệ cao thành phố và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là hai đơn vị mạnh với những lợi thế, nguồn lực vốn có của mình có thể liên kết để phát triển mạnh mẽ. 

Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố, giữa Khu công nghệ cao thành phố và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có sự gắn kết trong nhiều nội dung. Cụ thể, hàng năm doanh nghiệp trong Khu đều tiếp nhận hàng trăm sinh viên thực tập tại nhà máy. Ngoài ra, hai bên còn với sự hỗ trợ nhân sự cấp cao, nhân sự quản lý từ năm 2013-2015. 

Cụ thể, phía Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã cử chuyên gia sang kiêm nhiệm hoặc chuyển hẳn sang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D). Hai bên cũng đã hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ tại ICDREC (Đại học Quốc gia) và Trung tâm R&D. Trong đó, ICDREC chuyên về thiết kế, Trung tâm R&D có thiết bị máy móc ở phòng sạch, và sự hợp tác đã thực hiện thành công các đề tài quan trọng, như thế kế, chế tạo cảm biến QCM.

Tuy nhiên, dù được đánh giá có nhiều điều kiện, tiềm năng để trở thành Khu đô thị sáng tạo, nhưng các chuyên gia nhận định ở khu vực phía Đông vẫn còn thiếu sự liên kết giữa các đơn vị để khai thác, tận dụng hết tiềm năng cho sự phát triển chung.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, những nỗ lực của các đơn vị có xu hướng diễn ra riêng lẻ, chưa được đồng bộ hóa, tích hợp về tầm nhìn và mục tiêu. Trong khi đó, sự kết nối được coi là tâm điểm quan trọng để có thể tận dụng triệt để thế mạnh của các bên trong khu vực, là một trong những điều kiện quan trọng để có thể thúc đẩy khu vực dẫn đầu trong các ngành công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố. 

Chú thích ảnh
Đại lộ Võ Văn Kiệt và hầm vượt sông Sài Gòn đã rút ngắn khoảng cách từ đông sang tây của thành phố. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, sự kết nối là tâm điểm quan trọng, trong đó bao gồm cả những kết nối “phần cứng” như giao thông hay đường sá, lẫn kết nối “phần mềm” qua các chương trình liên kết, hợp tác giữa các đơn vị đang hoạt động trên địa bàn. Khởi động các kết nối cần một quy hoạch tổng thể với lộ trình chiến lược, sự tham gia của nhiều bên liên quan, cùng với cơ chế khuyến khích các sáng kiến hay công đồng.

Vừa qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cũng đã phát động cuộc thi tuyển quốc tế nhằm tìm kiếm ý tưởng độc đáo, phương án quy hoạch phát triển tối ưu và khả thi nhất, phù hợp với điều kiện và định hướng của thành phố.

Dù mới trên ý tưởng và nghiên cứu, nhưng việc đầu tư hình thành Khu đô thị sáng tạo thành phố kỳ vọng sẽ tạo ra một kịch bản phát triển mới, tạo động lực phát triển thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025. Khu đô thị sáng tạo còn là một thí điểm của thể chế, khi được chứng minh là có cơ sở thì sẽ lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước. Trong đó, nền tảng từ các đề án của Nghị quyết số 54 sẽ tạo cơ hội, điều kiện để triển khai Khu đô thị sáng tạo thuận lợi trong tương lai.

Tiến Lực - Thu Hoài (TTXVN)
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh 
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh 

Những chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 54 đã và đang tạo thuận lợi để TP Hồ Chí Minh triển khai nhanh Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước và chất lượng đời sống nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN