Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, công cuộc thống nhất về mọi mặt kinh tế - xã hội vô cùng bề bộn, gian khó, nhưng qua đó cũng sáng lên phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng. Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Đình Tự, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng, về chuyến công tác “nhận nhiệm vụ đặc biệt” ở miền Nam sau giải phóng.
Thống nhất tiền tệ
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, ra Bắc an dưỡng xong, tháng 6/1973, tôi được đơn vị cho đi tập trung ôn thi đại học và đỗ vào trường Đại học Tài chính Kế toán Ngân hàng Trung ương, chuyên ngành Lưu thông tiền tệ (nay là Khoa Ngân hàng thuộc Học viện Tài chính). Tháng 9/1975, một số sinh viên như chúng tôi và các thầy giáo được trưng tập đi công tác đặc biệt tại Sài Gòn bằng chuyến tàu chở hàng mang tên Việt Bảo.
Sau gần 3 ngày lênh đênh trên biển, bị ảnh hưởng của dông bão, sóng to gió lớn, hầu hết anh em trong đoàn đều bị say sóng, mệt lử; đoàn chúng tôi tập kết tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thật bất ngờ, tại đây tôi được gặp lại một số đồng đội của đơn vị đặc công cũ vừa tham gia đánh trận mở màn ở Buôn Ma Thuột trở về. Vào Sài Gòn, vừa lạ lại vừa vui, cả hồi hộp nữa vì chưa biết mình sẽ làm gì (trước khi đi chúng tôi chỉ được biết là tham gia đợt công tác đặc biệt).
Tôi được phân công thực hiện đổi tiền tại quận 11. Cuộc đổi tiền diễn ra trong bối cảnh miền Nam mới giải phóng được hơn 4 tháng, nhiều thứ còn bề bộn. Ngày ấy đổi 1000 đồng tiền cũ lấy 1 đồng tiền mới, trong khi giá vàng ở thị trường tại Sài Gòn chỉ khoảng trên 200 đồng tiền mới/chỉ. Sau khi kết thúc việc đổi tiền ở các bàn, tôi được UBND quận giao làm Trưởng Phòng giao dịch Lữ Gia thuộc phường Lữ Gia, gần sân Quần Ngựa.
Trong phòng Giao dịch của tôi có khá nhiều cán bộ thu dung đã từng làm ngân hàng ở chế độ cũ. Có một anh nhân viên khoảng trên 50 tuổi, từng là đảng viên đảng Dân chủ từ Campuchia về, thấy tôi lên quận họp chi bộ (khi ấy cả phòng chỉ có tôi là đảng viên Đảng Cộng sản) đã gọi tôi là Cộng sản và rất ngạc nhiên cũng như có phần nể sợ vì chưa gặp Cộng sản bao giờ. Anh ta không nghĩ Cộng sản lại bình dị và hòa đồng như thế.
Nhìn chung đợt đổi tiền là rất thành công, đã thực hiện được mục tiêu thống nhất tiền tệ trên cả nước làm tiền đề cho chỉ đạo phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, việc đổi tiền ở thời điểm ngay sau giải phóng nên còn nhiều việc lúng túng và có những việc cũng liều lĩnh. Ví như có lần kiểm tra thấy trả thừa tiền, tôi đã gọi một nhân viên trong phòng mang súng AK đến tận nhà người ta để đòi lại. Họ sợ phải trả ngay.
Bảo vệ tài sản Nhà nước
Sau khi tốt nghiệp ra trường với danh hiệu sinh viên tiên tiến toàn khóa; được nghỉ một thời gian ngắn và cưới một cô vợ cũng là sinh viên tiên tiến toàn khóa; đến tháng 8/1978, cả khóa tôi cùng vào miền Nam tham gia cải tạo tư sản công thương nghiệp tại Sài Gòn. Đoàn chúng tôi đi trên chuyến tàu thủy mang tên Thống Nhất. Do hai vợ chồng mới cưới nên được bố trí ở cùng một phòng và đó là những ngày trăng mật đặc biệt của chúng tôi.
Tập kết tại Bộ Tài chính cơ sở 2, hai vợ chồng tôi được phân công tham gia Cải tạo tư sản công thương nghiệp tại quận 1, nơi có chợ Bến Thành và nhiều trung tâm thương mại lớn; tôi được giao làm Đội Phó, trong đội có một số anh chị em sinh viên cùng trường, cả cán bộ của Bộ Tài chính và Bộ Thương nghiệp. Công việc của chúng tôi chủ yếu là kiểm kê hàng hóa của những công ty và chủ hiệu kinh doanh lớn ở ngoài phố và cả ở chợ. Hàng hóa rất nhiều, trong các két cũng khá nhiều vàng bạc, chủ yếu là dây chuyền và nhẫn, cũng có cả USD nữa. Sau mỗi ngày kiểm kê, chúng tôi tập hợp số liệu để báo cáo lên cấp trên. Hồi ấy hầu hết chúng tôi đều thể hiện được phẩm chất của cán bộ và sinh viên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, của một Đảng viên Cộng sản, không tơ hào bất kỳ thứ gì, mặc dù rất có điều kiện lấy mà không bị phát hiện.
Khi hoàn thành nhiệm vụ ở Sài Gòn, chúng tôi lại được điều đi tham gia cải tiến quản lý tài chính tại Kiên Giang. Sau một vài tháng làm việc với Sở Tài chính, tôi và một số người được phân công trực tiếp làm công việc cải tiến quản lý tài chính tại Sở Thủy sản. Đoàn của tôi do anh Hoàng Ngọc Thi là Trưởng phòng thuộc Bộ Tài chính làm Trưởng Đoàn, tôi làm Phó đoàn. Khi làm việc tại Sở Tài chính, chủ yếu là với Phòng Tài vụ và Phòng Ngân sách, công việc chủ yếu cũng là kiểm tra số liệu và kiểm kê tài sản từ chế độ cũ.
Giá sinh hoạt ở Rạch Giá lúc đó rất rẻ, nhất là các loại cá, hai vợ chồng tôi chỉ phải nộp cho nhà bếp tiền ăn 15 đồng/tháng. Bữa ăn chủ yếu là các loại hải sản, tôm cá còn nhiều hơn cả rau. Tại Kiên Giang, tôi được giao phụ trách một nhóm cán bộ thuộc Sở Thủy sản viết Đề án khoán đối với các tàu đánh cá. Chúng tôi tiến hành khảo sát công việc liên quan đến nghề cá, đến từng tàu thuyền, công suất của mỗi loại tàu; các loại chi phí phục vụ cho một chuyến đánh bắt như: ngư lưới cụ, dầu, đá lạnh và cả... rượu đế nữa; chi phí về lao động và chi phí khác để làm cơ sở tính toán mức khoán cho từng loại tàu. Vì vậy chúng tôi quen biết khá nhiều thuyền trưởng. Sau khoảng 6 tháng, chúng tôi hoàn thành bản đề án nộp cho tỉnh cũng như Bộ Tài chính, đến tháng 3 năm 1979 thì cơ bản hoàn thành và chuẩn bị ra Bắc.
Đó là những đóng góp của chúng tôi vào các hoạt động kinh tế theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ngay sau những ngày miền Nam mới giải phóng, từ đầu tháng 9/1975 và từ tháng 8/1978 đến giữa năm 1979. Sau này nghĩ lại những việc đã qua, tôi thấy tiếc cho phương thức mà chúng ta tiến hành cải tạo công thương nghiệp miền Nam khi đó chưa thật phù hợp, cũng có thể gọi là duy ý chí và máy móc. Và sau này, công cuộc Đổi mới đã tạo nên một khu vực kinh tế cũng như một Thành phố Hồ Chí Minh năng động và phát triển nhất cả nước.
PGS.TS Nguyễn Đình Tự