Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam ruột thịt bởi “miền Nam đi trước về sau”. Khi một nửa đất nước còn nằm dưới ách thống trị của Mỹ - ngụy thì trái tim Bác luôn hướng về miền Nam, thương nhớ đồng bào ngày đêm rên xiết dưới gót giày quân xâm lược, cùng niềm mong mỏi ngày thống nhất đất nước. Tình cảm của Người dành cho đồng bào miền Nam phần nào được thể hiện qua câu nói giản dị mà rất nổi tiếng của Người: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi… “.
Ngày 5/6/1911, Bác Hồ tạm biệt mảnh đất Nam Bộ thân yêu để từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước trên chiếc tàu Đô đốc Latouche Treville. Và 34 năm sau, ngày 26/9/1945, trong cương vị Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác có lá thư đầu tiên gửi đồng bào Nam Bộ (sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9) nhằm động viên, kêu gọi tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam khi thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm, khi còn chiến tranh với Nhật, bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh, thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật, hoặc công khai mò đến. Trong bốn năm, họ đã bán nước ta hai lần… Tôi tin và đồng bào cả nước chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Tôi chắc và đồng bào cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức giúp đỡ những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.
Hình ảnh vị cha già kính yêu luôn trong tim mỗi người dân nước Việt.Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Ngay sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ kèm theo bản Tuyên ngôn độc lập, yêu cầu đại diện phe đồng minh có sự can thiệp tức thời ngăn chặn ngay việc thực dân Pháp, núp bóng quân Anh gây chiến ở Nam Bộ.
Ngày 29/10/1945, Bác ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ và lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ, vạch rõ phương hướng hoạt động của toàn dân thực hiện: “Vì công lý, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải hoàn toàn thắng. Quân Pháp đi đến đâu sẽ gặp cảnh đồng không nhà vắng, không người, không lương thực… Đồng bào miền Nam trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới… Các bạn thanh niên Nam Bộ đã là bức Vạn lý trường thành vững chắc”.
Bến Năm Căn sau ngày giải phóng.Ảnh: Tư liệu - TTXVN |
Ngày 1/6/1946, trước khi lên đường sang Pa-ri để đàm phán với chính phủ Pháp tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Hồ Chủ tịch lại có thư gửi đồng bào Nam Bộ: “Cùng đồng bào Nam Bộ yêu quý! Được tin tôi cùng đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng vì chưa biết tương lai Nam Bộ thế nào?
Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước. Đồng bào Nam Bộ cùng hy sinh tranh đấu mấy tháng trường để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi…”.
Tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp trở về, ngày 23/10/1946, Bác lại khẳng định: “Đối với gan vàng, dạ sắt của đồng bào Nam Bộ, toàn thể quốc dân không bao giờ quên, Tổ quốc không bao giờ quên, Chính phủ không bao giờ quên. Tôi kính cẩn cúi đầu chào trước linh hồn các liệt sĩ và xin lỗi những đồng bào đang khổ sở, hy sinh…”.
Hàng vạn người dân dự Lễ mừng chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam tại Thủ đô Hà Nội ngày 15/5/1975.Ảnh: Thế Trung –TTXVN |
Chủ trương hòa hoãn thông qua việc đàm phán tại Phông-ten-nơ-blô và ký Tạm ước 14/9/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức sáng suốt và đúng đắn, tạo điều kiện để quân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ có thời gian để xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài. Phân tích và đánh giá chủ trương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các đồng chí và đồng bào Nam Bộ cho rằng chủ trương này đúng. Mà đúng thật. Vì đồng bào và đồng chí ở Nam Bộ đã khéo lợi dụng dịp đó để xây dựng và phát triển lực lượng của mình…”.
Trong hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… Bác Hồ luôn dùng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng và tha thiết nhất để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Người tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” cho nhân dân miền Nam, tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”… Tư tưởng được Bác quán xuyến suốt 24 năm làm Chủ tịch nước là sự toàn vẹn lãnh thổ, quét sạch giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.
Người kêu gọi: “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, dồn sức người, sức của để chi viện cho quân dân miền Nam chiến đấu. Mùa Xuân năm 1969, dù sức khỏe đã yếu, Bác vẫn dành thời gian tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Bác nói: “Trong thư chúc Tết năm nay, tôi có nói là: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn!”. Trong lúc viết như thế, tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện sớm trong năm nay… Để hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt thì có nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi chỉ xin nói một câu thôi: “Bao giờ Nam - Bắc một nhà / Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”. Và Bác xúc động nhắc lại điều Bác đã từng nói nhiều lần: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi…”.
Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã để lại bản Di chúc với những dòng thiết tha, thương nhớ hướng về miền Nam và khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta sẽ thắng lợi hoàn toàn: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà… Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ”…
Đáp lại tình cảm của Bác, nhân dân miền Nam đã chiến đấu anh dũng, kiên cường để góp phần làm lên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thỏa lòng mong ước của Người…
Trần Văn