Chuyện chiếm dụng vỉa hè Hà Nội - Kỳ 4: Quán ăn hè phố

Tiếng người hét lên “Nhanh lên, xe công an đến kìa!”, hàng quán bỗng chốc trở nên nhộn nhạo, kẻ đứng người ngồi. Anh phục vụ nhanh chóng thu dọn đống bàn ghế trên vỉa hè, khách hàng tay thì cầm cốc nước, tay cầm đĩa hướng dương đứng túm tụm một bên. Khi xe công an khuất bóng, mọi người thở phảo nhẹ nhõm, bàn lại được xếp ra kín mít vỉa hè…

Hàng quán lấn vỉa hè

Chỉ cần dạo qua phố phường Hà Nội một vòng, ai cũng có thể thấy thật hiếm có tuyến phố nào không có hàng quán lấn vỉa hè và hàng rong.

Cửa hàng xe đạp lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi.


Nguyễn Hữu Huân là một trong những phố nổi tiếng Hà Nội với nhiều quán cà phê có tiếng như cà phê Lâm, Giảng… Hàng quán nhỏ, khách thì đông nên chủ cửa hàng mặc nhiên chiếm dụng vỉa hè lấy chỗ ngồi cho khách. Bàn ghế được xếp một góc, khách đến sẽ được mang ra bày biện. Các quán này lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào và vỉa hè hầu như không còn chỗ chen chân cho người đi bộ.

Vỉa hè đường Đê La Thành bị “bao vây” bởi các cửa hàng, quán ăn, gánh hàng rong. Hầu hết là các cửa hàng bán đồ gỗ, nội thất và chăn ga gối đệm. Chị Thủy - chủ một cơ sở kinh doanh tại đây cho biết: “Cửa hàng thì nhỏ, không bày ra vỉa hè thì làm gì có chỗ mà bán hàng”. Vỉa hè đã vậy, còn dưới lòng đường được “xếp lớp” xe chở hàng, xe thương binh.

Đường Núi Trúc nối giữa Kim Mã và Giảng Võ có thể coi là “phố không hè” bởi hầu như người đi bộ đều không được đi trên vỉa hè. Vỉa hè đã nhỏ, các hộ kinh doanh, cửa hàng ăn uống còn bày hàng la liệt chiếm hết vỉa hè. Hương Giang - học sinh một trường gần tuyến đường này - phàn nàn: “Cứ đi bộ đến đoạn đường này là em lại run. Chẳng bao giờ đi được trên vỉa hè mà toàn phải đi xuống lòng đường nên mấy lần em suýt bị xe đâm”. Kẻ lấn vỉa hè bán hàng, người dừng dưới lòng đường mua hàng, cảnh mua bán diễn ra tấp nập không kể ngày đêm nên tuyến đường này thường xuyên ách tắc vào giờ cao điểm cũng là điều dễ hiểu.

Dọc theo đường hồ Tây, khu Võng Thị là hàng chục quán ốc vỉa hè lúc nào cũng nườm nượp khách. Hầu hết các quán ở đây đều trải chiếu, kê bàn ở ngay bờ hồ Tây, cả một đoạn đường ven hồ dài là những hàng quán nối tiếp nhau. Người đến ăn ốc ngồi trên chiếu dải ngay trên vỉa hè, giày dép để dưới lòng đường vừa mất mỹ quan đô thị, vừa mất vệ sinh.

Thấy công an là ôm hàng chạy

Góp phần vào lấn chiếm vỉa hè là những gánh hàng rong. Hình thức lấn chiếm có thể khác nhau nhưng tất cả đều chung một điểm. Đó là hễ thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng, các đội trật tự cách xa hàng trăm mét họ đã nhanh chóng dọn dẹp hàng quán để qua mặt các lực lượng này.

Tôi đã có dịp chứng kiến màn “ôm hàng chạy” tại phố Nhà Thờ. Khi thấy thấp thoáng bóng công an, lập tức có tiếng người hét lên “Nhanh lên, xe công an đến kìa!”, hàng quán bỗng chốc trở nên nhộn nhạo, kẻ đứng người ngồi. Anh phục vụ nhanh chóng thu dọn đống bàn ghế trên vỉa hè, khách hàng tay thì cầm cốc nước, tay cầm đĩa hướng dương đứng túm tụm một bên. Khi xe công an khuất bóng, mọi người như thở phào nhẹ nhõm, bàn lại được xếp ra kín mít vỉa hè… Nơi đây có gần chục quán bán trà chanh. Các quán ở đây hầu hết đều rất nhỏ, chỉ kê được tầm 4-5 chiếc bàn song lượng khách đến đây lúc nào cũng đông không kể ngày hay đêm.

Tương tự, phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân không lúc nào trong ngày vắng mặt hàng quán bán rong. Buổi sáng dọc tuyến phố và xung quanh các cổng trường Việt Nam - Angeri, Đặng Trần Côn là các gánh bán đồ ăn sáng, nào bánh rán, bánh mỳ, xúc xích… đứng xếp hàng dọc trên vỉa hè, chật cả ngã ba đường khiến cho học sinh đi bộ phải xuống lòng đường để tránh các hàng rong này, phụ huynh cũng gặp khó khăn khi chở con đi học. Buổi trưa vỉa hè thành một dãy bán bún đậu mắm tôm, khách qua đường tiện là ghé vào ăn, xe cộ xếp đầy dưới lòng đường.

Buổi tối nơi đây được mệnh danh là phố “trải chiếu” hay “phố ăn đêm”. Từ 5 giờ chiều trở đi các gánh hàng ăn được dọn ra la liệt dày đặc hai bên vỉa hè. Thậm chí dãy hàng cây ở dải ngăn cách cũng được tận dụng để xếp bàn ghế và dãn khách ra khi quán quá đông. Đủ các loại hàng ăn được bày bán, nào là bún, phở, chân gà nướng, ốc luộc… mới đến đầu phố đã sực nức mùi thức ăn. Thỉnh thoảng cũng có những đợt lực lượng công an, an ninh phường đi dẹp trật tự, các hàng ăn lại nhanh chóng dọn dẹp đi. Có lẽ đã quá quen với công việc luôn phải “chạy” này nên các quán bày ra rất nhanh và dọn đi cũng nhanh để tránh bị công an thu giữ “đồ nghề”. Nhưng khi công an đi khuất thì đâu lại vào đấy.

Đường Cát Linh là một trong những tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn. Ban ngày khu phố chuyên bán vật liệu xây dựng, đồ nội thất các cửa hàng đều tận dụng vỉa hè làm nơi bày hàng. Và cứ 18 giờ chiều thì lại biến thành một loạt quán trà bát bảo, trà chanh. Hàng chục hàng quán nối tiếp nhau xuất hiện trên vỉa hè, cả những dãy phố từ phía sau sân vận động Hàng Đẫy đến đầu đường Cát Linh (đối diện Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức) và phố Bích Câu cũng là những quán trà nối tiếp nhau. Quán nào cũng đông nghẹt khách khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Khi được hỏi lấn chiếm vỉa hè không sợ công an hay sao thì một chị chủ quán trà chanh ở đây hồn nhiên: “Đuổi thì chạy. Cùng lắm mất mấy bộ bàn ghế nhựa thôi. Kinh doanh thì phải chấp nhận những cái đó thôi”.

Tình trạng các hộ kinh doanh, nhà hàng, quán ăn sử dụng vỉa hè kinh doanh và làm nơi để xe cho khách đã làm mất đi phần đường dành cho người đi bộ, làm mất mỹ quan đô thị, mất đi nét đẹp ngàn năm văn hiến của Hà Nội. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đáng phải bàn. Rác thải, nước thải từ các hàng ăn lưu động này làm ô nhiễm vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có một cơ chế quản lý rõ ràng và sự can thiệp của lực lượng chức năng vẫn chưa có hiệu quả.

Nam Hoàng - Thu Trang - Tạ Nguyên

Tại Hà Nội, người ta xây nhà cao tầng nhưng lại quên xây bãi gửi xe. Vỉa hè lại phải trở thành những bãi đỗ xe bất đắc dĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN