Chưa hài lòng với “văn hóa xe buýt”

Câu chuyện về văn hóa xe buýt dường như vẫn “chưa có hồi kết”, bởi dù dư luận, truyền thông đã lên tiếng nhiều lần; bản thân cơ quan chức năng cũng triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh và xây dựng văn hóa xe buýt, nhưng vẫn chưa thể khiến người tham gia giao thông hài lòng.


Vẫn còn sạn

Phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm quy định khi tham gia giao thông; thiếu sự hòa nhã, tôn trọng với hành khách… là những tồn tại của xe buýt nhiều năm nay, mà vẫn chưa có “thuốc” để chữa triệt để.

Dù thời điểm đầu tháng 9, chưa khai giảng năm học, đồng nghĩa với việc vắng bóng lượng hành khách khá “chủ đạo” của xe buýt là các sinh viên; nhưng xem ra văn hóa xe buýt cũng không vì thế mà được nâng lên. Chuyến xe buýt số 38 (Nam Thăng Long - Mai Động) tầm cuối giờ chiều khá vắng khách. Tuy nhiên, không vì thế mà lái xe đi ung dung hơn, ngược lại, hành khách vẫn nhiều lần ngã dúi dụi bởi xe phanh gấp. Bác Tạ Thị Hiên, cán bộ về hưu (Đan Phượng, Hà Nội), một hành khách trên xe, cho biết: “Lái xe cũng tùy từng người, từng xe; nhưng rõ ràng bên cạnh những lái, phụ xe rất lịch sự, thân thiện, đi đúng quy định; thì vẫn còn những lái, phụ xe đi rất ẩu, rồi khiếm nhã với hành khách...”.

Nhiều người dân vẫn chưa hài lòng với “văn hóa xe buýt”.


Cùng chung suy nghĩ này, Hoàng Anh Tuấn, sinh viên năm cuối Đại học Thủy Lợi ngao ngán khi nhắc tới xe tuyến 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình) bởi việc phóng nhanh vượt ẩu của lái xe dù lúc đó là buổi tối, đường vắng. Thậm chí, khi có người lớn tuổi góp ý, lái xe vẫn lờ đi, đôi khi còn nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe. “Đến điểm dừng đầu đường Chùa Bộc, một bạn nữ chuẩn bị bước lên xe, thì lái xe đột ngột đóng cửa, khiến bạn bị kẹp hai tay ở cửa sau. Phụ xe và hành khách kêu ầm lên, lái xe mới mở cửa và bạn nữ rút tay ra được. Nếu không xử lý nhanh lúc đó chắc đã có sự cố đáng tiếc về giao thông”, Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Về phía lái, phụ xe là như vậy, còn bản thân nhiều người đi xe buýt cũng chưa có văn hóa. Việc chen lấn, xô đẩy khi lên xe; việc lên xuống không đúng cửa, việc không nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ… còn khá phổ biến. Chưa kể, còn tình trạng rất đáng báo động là việc quấy rối tình dục trên xe buýt. Em Trần Minh T, lớp 12B12, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, là một nạn nhân, vẫn còn bị ám ảnh vì bị quấy rối. “Hôm đó, chừng hơn 12 giờ, trên đường đi xe buýt về nhà, ngồi bên cạnh là người đàn ông đứng tuổi, ngồi kế bên giả vờ ngủ gục vào vai. Đến gần bến xuống, hắn tỉnh dậy nhìn vào ngực và nói “Ngon lắm”, khiến em phải di chuyển lên chỗ gần chỗ lái xe và nhanh chóng xuống bến dù còn cách nhà khá xa”, Trần Minh T kể.

Những tình huống quấy rối trên xe buýt không phải hiếm gặp, nhất là vào giờ cao điểm, có đông hành khách đứng chen chúc.

Tăng cường thanh, kiểm tra

Nhằm chấn chỉnh những bất cập mà dư luận phản ảnh về hiện tượng xe buýt bỏ bến, chất lượng dịch vụ không theo cam kết, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (TRAMOC) đã tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát. Ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc TRAMOC cho rằng: “Lực lượng chức năng đã giám sát 15% tổng số lượt xe, nhất là với các tuyến thường quá tải, tuyến ngoại thành. Do đó, số vi phạm giảm đáng kể, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động xe buýt”.

Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường kiểm tra, giám sát chuyến, lượt xe buýt bằng công nghệ thẻ tại các trạm trung chuyển, đồng thời giám sát xe buýt thông qua hệ thống GPS từ các công ty về Trung tâm giám sát của TRAMOC. “Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp giám sát lộ trình từng xe, như việc dừng đỗ đúng quy định, bỏ chuyến của xe buýt. Qua đó yêu cầu doanh nghiệp vận tải thực hiện đúng cam kết dịch vụ đã ký với cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Về ý thức của lái, phụ xe đối với hành khách, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nói: “Lái phụ xe là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, do đó các doanh nghiệp vận tải cần tổ chức thường xuyên những lớp tập huấn, nâng cao thái độ ứng xử đối với lái phụ xe, đồng thời đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ cũng phải tự nâng cao ý thức trong phục vụ theo đúng phương châm lấy khách hàng là trung tâm”.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội cho biết: “Từ năm 2011, Thành đoàn Hà Nội đã hợp tác với Tổng công ty vận tải Hà Nội (TCTVT) thành lập CLB thanh niên tình nguyện tuyên truyền trên tuyến xe buýt. Các thành viên CLB được TCTVT Hà Nội huấn luyện về hoạt động của các tuyến xe buýt, quy định đi xe... TCTVT Hà Nội cũng phối hợp với Hội sinh viên thành phố và Thành đoàn Hà Nội phát sổ tay, cẩm nang xe buýt tại các trường đại học, cao đẳng. Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, dần tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành tốt hơn các quy định khi đi xe buýt, góp phần xây dựng văn hóa đi xe buýt với thanh niên, học sinh, sinh viên.


PV
Văn hóa xe buýt: Bắt đầu từ thế hệ trẻ
Văn hóa xe buýt: Bắt đầu từ thế hệ trẻ

Xây dựng văn hóa giao thông công cộng, trong đó có văn hóa xe buýt cần bắt đầu từ thế hệ trẻ. Để làm được việc này, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN