Theo đó, tại thời điểm 1/7/2017 có 143,7 nghìn đơn vị thuộc khối hành chính, sự nghiệp, tăng 2,3% so với năm 2012.
Lao động của khu vực này là 3,8 triệu người, tăng 11,3% so với năm 2012 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 20,5% của năm 2012 so với 2007.
Trong các đơn vị sự nghiệp thì sự nghiệp công lập vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn tới 96% với gần 70,7 nghìn đơn vị và 2,45 triệu lao động. Trong đó, hai ngành chiếm tỷ trọng lớn là giáo dục (chiếm 61,7% về cơ sở và 68,7% về lao động), và y tế (tương ứng chiếm 19,3% và 17%).
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, trong những năm qua, Nhà nước đã và đang xóa bỏ cơ chế bao cấp, trừ một số hoạt động sự nghiệp quan trọng thiết yếu đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Chủ trương xã hội hóa hoạt động sự nghiệp đã và đang được triển khai quyết liệt.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao với 70,2% số cơ sở sự nghiệp công lập, tương đương 55,4% số lao động.
Các đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên mới chỉ ở mức 15,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập với 25,4% số lao động.
Các đơn vị tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ chiếm 10,8% số lượng với 14,3% số lao động.
Các đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên và đầu tư vận dụng cơ chế như doanh nghiệp hoặc đề án thí điểm tự chủ, đơn vị tự bảo đảm toàn bộ hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tổng số cơ sở của cả 3 loại hình này chưa đến 4%, lao động khoảng 5%.