Chưa có trường hợp thuê bao phản ánh bị khóa SIM do thiếu thông tin

Hai ngày sau khi Nghị định 49/2017 có hiệu lực, trên các diễn đàn viễn thông và phản ánh từ bạn đọc chưa ghi nhận trường hợp nào bị khóa SIM do thiếu thông tin và ảnh chân dung.

Chủ thuê bao đi bổ sung thông tin trong những ngày vừa qua. Ảnh: Lê Phú.

Bà Phạm Thị Liên (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Tôi mua SIM Viettel cách đây vài năm và cũng được nhà mạng nhắn tin thông báo đến bổ sung thông tin. Tuy nhiên, đến các điểm giao dịch thấy đông người nên vẫn chưa bổ sung kịp thông tin, ảnh chân dung nhưng đến hôm nay vẫn có thể nghe gọi bình thường". Đây cũng là ghi nhận thực tế trên các diễn đàn xã hội, viễn thông chưa có trường hợp bị khóa SIM do thiếu thông tin và ảnh chân dung theo Nghị định 49/2017.


Theo đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông), đơn vị tham mưu soạn thảo Nghị định 49/2017, mốc 24/4/2018 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49 với cơ quan quản lý nhà nước. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định.


Cũng theo Cục Viễn thông, chỉ thuê bao nào nhận tin nhắn của nhà mạng đề nghị bổ sung thông tin mới phải bổ sung thông tin. Trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo (tin nhắn) từ nhà mạng để bổ sung thông tin, ảnh chân dung sẽ không bị khoá liên lạc.


Theo quy trình (tại khoản 8, điều 1), nhà mạng sẽ buộc phải dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo đầu tiên tới khách hàng, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ hai chiều sau 15 ngày tiếp theo, nếu vẫn không hoàn thiện thông tin. Sau 60 ngày kể từ lần thông báo đầu tiên, nếu chủ thuê bao tiếp tục không hợp tác, nhà mạng sẽ được yêu cầu cắt hợp đồng dịch vụ, thu hồi SIM số.


Đáng chú ý, thông tin sai lệch tập trung nhiều ở thuê bao trả trước. Trước năm 2017, cả nước có hơn 120 triệu thuê bao, trong số này, có hơn 80 triệu thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký thông tin thuê bao chính xác chỉ khoảng 25%, còn lại 75% là thông tin đăng ký sai.


Theo các chuyên gia viễn thông, trong giai đoạn đầu phát triển, các doanh nghiệp viễn thông đã cạnh tranh thu hút thuê bao mới quá nóng và dẫn đến tình trạng ủy quyền cho các đại lý việc xác minh thông tin thông tin thuê bao đăng ký mới mà không kiểm soát. “Chính xác là các đại lý dùng chứng minh thư mượn của nhiều người rồi kích hoạt số để bán ra thị trường. Do đó, rất nhiều thông tin thuê bao đã đăng ký sai, sử dụng thông tin giấy chứng minh nhân dân của người khác hoặc kê khai lấy lệ”, anh Quang Thái, kỹ sư viễn thông nhận xét.


Từ thực trạng này dẫn đến các thuê bao di động ảo dùng để nhắn tin rác, gọi điện quấy rối, lừa đảo… Do đó phải bổ sung thông tin chính xác và chụp ảnh, để xác định chủ thuê bao này là có thật.


Điều đáng bàn là Nghị định 49/2017 đã dành thời gian 1 năm để các nhà mạng bổ sung thông tin, ảnh chân dung nhưng thực tế các nhà mạng chỉ mới triển khai áp dụng các quy định của nghị định 49 đối với những thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017, còn lại công tác rà soát thuê bao cũ đăng ký trước đó rất chậm.


Thực tế, với những thuê bao đã đăng ký thông tin chính xác và có sao lưu hình ảnh chứng minh nhân dân theo Thông tư 04/2012/ TT-BTTTT có hiệu lực từ 1/6/2012 không cần phải chụp lại ảnh chính chủ vì hình ảnh trên chứng minh nhân dân có thể coi là hình ảnh chủ thuê bao. Với công nghệ nhận diện hình ảnh thông tin như hiện nay, việc quét ảnh từ chứng minh thư là chân dung hoàn toàn nằm trong khả năng của các nhà mạng. Tuy nhiên, phương pháp này không được phổ biến và thông báo tới thuê bao để loại trừ những trường hợp đã đủ thông tin.


Tuy nhiên, chỉ đến gần ngày 24/4/2018, với việc báo chí, truyền thông thông tin rầm rộ phổ biến ngày đến hạn của Nghị định 49/2017 kết hợp với việc nhắn tin của nhà mạng, nhiều người mới đổ đến các điểm giao dịch của các nhà mạng để tra cứu, bổ sung thông tin, trong đó có ảnh cá nhân. Cách làm thiếu khoa học và bị động theo hình thức “nước đến chân mới nhảy” của nhà mạng dẫn đến quá tải tại nhiều điểm giao dịch, gây bức xúc trong dư luận.


Hiện chưa có nhà mạng nào công bố số thuê bao đã bổ sung thông tin, ảnh chân dung. Tuy nhiên, theo ước tính của nhiều chuyên gia viễn thông, sẽ có khoảng 30 triệu thuê bao trả trước thông tin chưa chính xác và nguy cơ sẽ bị khóa 1 chiều nếu không bổ sung kịp thời theo quy định sẽ bị thu hồi số từ nhà mạng.


Trước khi bị Cục Viễn thông thanh kiểm tra kho số, hiện cả 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, MobiFone, Viettel mở các ứng dụng cho phép chủ thuê bao đăng ký trực tuyến, đồng thời chia thành nhóm khách hàng để đăng ký theo đợt. Với những người lớn tuổi, không có thể cập nhật trực tuyến có thể đến các điểm giao dịch để được nhân viên cửa hàng hỗ trợ.


XC/Báo Tin tức
Tuyến cáp biển APG khôi phục sớm hơn dự kiến, internet trở lại bình thường
Tuyến cáp biển APG khôi phục sớm hơn dự kiến, internet trở lại bình thường

Theo thông tin từ đối tác quốc tế cung cấp và VNPT NET, vào lúc 17h10 ngày 25/4/2018, sự cố gây mất 930G trên tuyến cáp biển quốc tế APG đi quốc tế đã được khắc phục xong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN