Chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng vũ trang, gia đình các chủ tàu thông báo cho tàu, thuyền hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến mưa lũ tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
Bên cạnh đó khẩn trương xác định nguyên nhân, thực hiện ngay các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hạ du thủy điện Sông Bung 2; tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại và huy động lực lượng, phương tiện giúp dân ổn định đời sống sau bão số 4.
Đồng thời kiểm tra an toàn hồ đập (hồ thủy lợi và thủy điện), đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông suối tại các tỉnh có mưa lớn; tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, theo báo cáo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 13/9, bão số 4 đã gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quãng Ngãi.
Trong đó, 34 người bị thương (Nghệ An: 1, Quảng Bình: 13, Quảng Trị: 8, Huế: 1, Đà Nẵng: 11); 25 nhà bị sập, đổ (Quảng Bình: 16, Quảng Trị: 7, Huế: 2); 665 nhà nhà bị hư hại, tốc mái (Nghệ An: 50, Quảng Bình: 218, Quảng Trị: 166, Huế: 41, Đà Nẵng: 186, Quảng Ngãi: 1, Kon Tum: 3); 175 nhà bị ngập (Huế: 25, Đà Nẵng: 145, Quảng Ngãi: 5).
Tổng số 8.422 ha lúa bị ngập (Nghệ An: 1200 ha; Hà Tĩnh: 6.077 ha; Quảng Bình: 665 ha; Quảng Trị: 282 ha; Huế: 1,5 ha; Đà Nẵng: 42,5 ha; Quảng Ngãi: 154 ha); 2.063 ha hoa màu bị ngập (Nghệ An: 1.575 ha; Quảng Bình: 6 ha; Quảng Trị: 132 ha; Huế: 10 ha; Quảng Ngãi: 340 ha); 18ha cây trồng lâu năm và 59 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại; 578 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ; 300 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, 23,5 ha bị thiệt hại, 7 tàu, thuyền, 2 cầu nhỏ bị hư hỏng, 3000 m3 đất đá bị sạt lở, 50 m đê cấp V bị hư hỏng, 1,3km bờ biển, bờ sông bị sạt lở, 35 cột điện bị gãy, đổ, 1 trạm biến áp bị hư hỏng.