Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông diễn biến khá phức tạp, gây ảnh hưởng đời sống, tài sản, tính mạng của nhân dân. Trước tình hình này, tỉnh Đồng Tháp tích cực ứng phó, nhất là trong mùa mưa, lũ nhằm giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra.
Gần đây, tại ấp An Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành xảy ra sạt lở một đoạn bờ sông Tiền dài khoảng 91m, ảnh hưởng diện tích trồng cây ăn quả cùng một bè nuôi cá. Theo ngành chức năng, nguyên nhân sạt lở do dòng sông cong, phía bên kia bờ sông Tiền thuộc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đang bồi lắng, làm chủ lưu dòng chảy áp sát vào phía bờ sông Tiền thuộc xã An Hiệp, khúc sông co hẹp “thắt cổ chai”, dòng chảy rất xiết kết hợp mưa dai dẳng trong nhiều ngày, nền đất yếu gây sụt lún, sạt trượt.
Chỉ trong phút chốc, vì sạt lở nên ông Đặng Văn Đạt ở xã An Hiệp mất hơn 1.000m2 đất trồng dừa đang cho quả; một đoạn đê bao bị vỡ, khiến nước tràn vào vườn cây. Ông Đạt cho hay, ông lớn tuổi nên trồng dừa cho bớt công chăm sóc và có thêm thu nhập. Hơn 10 năm qua, khu vực này không bị sạt lở nhiều nhưng năm nay lại xảy ra nghiêm trọng, ông lo lắng sạt lở sẽ còn tiếp diễn.
Hiện nay, sạt lở, sụt lún không chỉ ở ven sông lớn mà còn diễn ra ở một số sông nhỏ, kênh, rạch nội đồng. Điển hình, ven sông Cần Lố đã xảy ra nhiều điểm sạt lở thuộc xã An Bình, Nhị Mỹ, Phương Trà (huyện Cao Lãnh), ảnh hưởng đời sống, kinh doanh và việc lưu thông của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Ái, ngụ xã Nhị Mỹ cho biết, tuyến đường nhựa trước nhà ông xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuất hiện nhiều điểm sạt trượt, sụt lún xuống sông Cần Lố. Giờ đây, mặt đường nhỏ hẹp, lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn.
Ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xảy ra 6 vụ sạt lở sông Tiền với chiều dài 236m, diện tích sạt lở hơn 5.000m2. Ngoài ra, còn xảy ra sụt lún mái, chân kè chống xói lở bờ sông Tiền (đoạn thuộc ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò) với chiều dài 24m.
Tình trạng sạt lở xảy ra nhiều hơn ở một số sông, kênh, rạch nội đồng, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ sạt lở nội đồng với chiều dài 915m, diện tích 3.672m2 làm ảnh hưởng trực tiếp đến 6 hộ dân. Ước tính tổng thiệt hại do sạt lở, sụt lún trong 9 tháng qua khoảng hơn 4,2 tỷ đồng.
Có nhà ở ven sông Cần Lố, ông Võ Văn Dũng ngụ xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh rất lo lắng khi mùa mưa, lũ về vì nước sông dâng cao, chảy mạnh, cộng với mưa làm đất mềm nên có nguy cơ xảy ra sạt lở. Ông Dũng cho biết, vào mùa mưa, lũ, ông thường chủ động di dời những vật dụng nặng, tài sản đến nơi an toàn; thường xuyên theo dõi tình hình khu vực quanh nhà để kịp thời xử lý khi có tình huống bất thường.
Theo ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong mùa mưa, lũ như hiện nay. Trước tình hình này, các địa phương cần quan tâm tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông, theo dõi thường xuyên diễn biến những khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Cùng với đó là tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở tại khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; những khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng sạt lở bờ sông để nhân dân nắm và chủ động phòng tránh.
Về lâu dài, để ứng phó với sạt lở bờ sông, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã và đang xây dựng nhiều công trình kè với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn. Nhiều công trình hoàn thành, phát huy tác dụng ngăn chặn sạt lở, bảo vệ bờ sông, đường giao thông, tài sản và tính mạng của nhân dân như: Kè phường 3 và 4, thành phố Sa Đéc; kè thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; kè Hổ Cứ, xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh; kè chống xói lở bờ sông Tiền, thuộc xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò…
Cùng với giải pháp công trình, Đồng Tháp còn áp dụng biện pháp phi công trình để phòng, chống sạt lở, khuyến khích người dân trồng các loại cây có khả năng giữ đất, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, nổi bật là cây bần. Đây là loài thực vật thân gỗ, sống và phát triển tốt trong môi trường ngập nước; bộ rễ của cây này phát triển, bám sâu vào bùn đất, hướng lên khỏi mặt nước, rễ mọc thành từng khóm quanh gốc. Để tăng khả năng bảo vệ bờ sông trước sạt lở, nhiều người dân kết hợp biện pháp trồng bần với nuôi thả lục bình - loài cây sống trên mặt nước.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiều đoạn sông, kênh, rạch bị lấn, chiếm để xây dựng công trình, nhà ở, làm thu hẹp dòng chảy, hạn chế khả năng tiêu thoát nước; gây mất an toàn giao thông đường thủy; ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ngoài ra, việc người dân xây dựng công trình, nhà ở ven sông, rạch trong khu vực sạt lở có thể đối mặt với nguy hiểm, đe dọa tính mạng, tài sản, nhất là trong mùa mưa, lũ.
Vì vậy, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.