Theo UBND huyện Đạ Tẻh, qua khảo sát, ở tỉnh hiện có 29 khu vực, vị trí có nguy cơ sạt lở đất cao. Trong đó có 3 khu vực đồi cao, mái dốc thuộc xã Đạ Kho và thị trấn Đạ Tẻh có nguy cơ rất cao về sạt lở đất. Cụ thể là khu đồi đất cao hàng chục mét ở thôn 3 (xã Đạ Kho) nằm ngay sát sau nhà ở của 19 hộ dân. Trong năm 2022 - 2023, khu vực này đã xảy ra sạt lở, gây hư hại nhà ở của người dân; khi mưa lớn, bùn đất chảy tràn từ đồi đất xuống đường giao thông gây khó khăn cho việc đi lại; một số vị trí tiếp tục có dấu hiệu sạt lở.
Tương tự, khu vực 2 đồi đất ở Tổ dân phố 3B (thị trấn Đạ Tẻh) đều có nhà dân sát chân đồi đã xuất hiện một vài vị trí sạt lở, cây trồng có hiện tượng nghiêng. Trong đợt mưa tháng 7/2024, chính quyền địa phương đã phải di dời 12 hộ dân đến nơi an toàn.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Đạ Tẻh kiến nghị thực hiện ngay việc đào hạ thấp độ cao đỉnh đồi; bạt mái giảm độ dốc mái đồi; đào mương thoát nước dưới chân đồi… để đảm bảo an toàn trước mắt và lâu dài. Trong đó, tập trung thực hiện bạt mái, hạ độ cao đồi đất với khối lượng đất dự kiến gần 180.000m3. Nguồn kinh phí dự kiến là 7,75 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, thực hiện từ năm 2024 - 2025.
Liên quan đến việc phòng, chống sạt lở, UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) thông tin, ở huyện hiện có 34 điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún và lũ quét. Trong đó, tại thôn Bắc Hội (xã Bình Thạnh) hiện có 3 vị trí (mỏ đá Trọng Minh, khu vực gần Công ty Bình Điền, khu vực 35 ha thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý) có nguy cơ sạt lở, sạt trượt, cây đổ, ảnh hưởng trên 10 hộ dân đang sinh sống phía dưới. Huyện đang rà soát từng vị trí cụ thể để xây dựng phương án hạ tải trọng đất đỉnh đồi, mái dốc nhằm hạn chế sạt lở lâu dài.