Chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Để phòng bệnh, cần đảm bảo ăn chín uống chín; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là rửa tay cho người chăm sóc trẻ, rửa tay cho trẻ mỗi ngày nhiều lần, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và cho trẻ ăn.

Nhằm chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, không để bùng phát thành dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan, trung tâm y tế các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Dân cho biết, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến các trung tâm y tế xã, phường, thị trấn, thành lập đội phòng, chống dịch. Đến nay, công tác tập huấn, hậu cần phòng chống dịch đã được triển khai tương đối tốt.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, năm 2016 tỉnh có gần 1.400 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 100% so với năm 2015, trong đó có 3 ca tử vong. Thế nên, điều kiện thời tiết đang diễn biến khá bất thường như hiện nay sẽ là điều kiện để bệnh có thể phát triển.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tình hình bệnh sốt xuất huyết năm 2016 gia tăng dai dẳng, khả năng năm 2017 tiếp tục tăng cao. Đến thời điểm này, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết là trên 120 ca; các địa phương có số ca mắc cao là thành phố Cà Mau, các huyện Cái Nước, Đầm Dơi và Trần Văn Thời.

Điểm mới trong công tác phòng, chống bệnh trong năm nay là xử lý mầm bệnh đồng loạt, triệt để, trong thời gian ngắn. Nhất là ở những ổ dịch cũ, tỉnh tăng cường giám sát, khử trùng, tránh mầm bệnh tồn tại trong môi trường; đồng thời tập huấn cho giáo viên để hướng dẫn các phụ huynh biết cách phát hiện trẻ bị bệnh và cách ly.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, hiện tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã và đang nỗ lực phòng bệnh, nhất là cách ly trẻ bị bệnh. Bệnh tay chân miệng có thể tái đi tái lại, do bệnh không miễn dịch lâu dài như bệnh sởi hay một số bệnh khác.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Dân, để ngăn chặn dịch bệnh, trước hết phải tăng cường giám sát ca bệnh, những nơi có ổ dịch xảy ra phải xử lý ngay và triệt để, tránh lây lan trong cộng đồng.

Đặc biệt là hướng dẫn người dân tự giác phòng chống dịch bằng hành động cụ thể như: Đậy các lu chứa nước, vệ sinh quanh nhà, thả nuôi cá lia thia, cá bảy màu để diệt lăng quăng, các dụng cụ chứa nước quanh nhà phải được úp xuống, tẩm mùng, những nơi đã có tiền sử về dịch bệnh thì phải phun hóa chất.


Ngoài ra, phải cho trẻ ngủ mùng, tránh để bị muỗi đốt; đồng thời tẩy uế, khử trùng các phòng học, quanh trường. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, thường xuất hiện ở những điểm trường mẫu giáo và hộ gia đình, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, khi phát hiện trẻ sốt, đau họng, nổi mụn nước, loét lòng bàn tay, bàn chân... nghi bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế. Tùy tình hình bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ cho nhập viện hoặc cho điều trị tại nhà. Bệnh cũng có những biến chứng nguy hiểm, khi thấy trẻ sốt cao, khó hạ, có những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng cần sớm cách ly để tránh lây lan.

Để phòng bệnh, cần đảm bảo ăn chín uống chín; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là rửa tay cho người chăm sóc trẻ, rửa tay cho trẻ mỗi ngày nhiều lần, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và cho trẻ ăn. Ngoài ra, cần sát trùng sàn nhà, bàn ghế, dụng cụ, đồ chơi của trẻ...

Huỳnh Thế Anh (TTXVN)
Có thể tái nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần trong năm
Có thể tái nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần trong năm

Từ trước Tết, số ca bệnh tay chân miệng đã bắt đầu gia tăng, trong khi, dịch bệnh này thường chỉ phát triển mạnh từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN