Đại hội đã bầu 61 thành viên Ban Chấp hành Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam. Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thục tái cử chức vụ Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam nhiệm kỳ II.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, hoạt động nổi bật của Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam thời gian qua là đã thực hiện tốt công tác tham gia, tư vấn, phản biện và giám định xã hội như tham gia tư vấn lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; đóng góp ý kiến, thẩm định, phản biện Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật như: Luật Bảo vệ môi trường 2020; Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; các văn bản quy định chi thiết thi hành Luật Khí tượng thủy văn 2015. Hội tham gia góp ý, thẩm định các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực khí tượng thủy văn như: Bộ tiêu chuẩn TCVN 12635 về công trình quan trắc khí tượng thủy văn, Bộ tiêu chuẩn TCVN 12636 về quan trắc khí tượng thủy văn; các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn...
Hội tham gia các chương trình như: Xây dựng dự thảo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP), thông báo quốc gia lần thứ tư của Việt Nam gửi Ban thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu...
Cùng với đó, Hội đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam đề xuất Dự án “Vận dụng tri thức địa phương và nông nghiệp thông minh nhằm nâng cao năng lực thích ứng, cải thiệnsinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình”.
Cùng với đó, tiến hành các hoạt động nghiệp vụ tại địa bàn xây dựng dự án như đánh giá đặc điểm khí tượng thủy văn và sơ bộ xác định những ảnh hưởng chính đến sản xuất nông nghiệp chung của huyện Kim Bôi; khảo sát đánh giá khí tượng thủy văn và lựa chọn vị trí thí điểm mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, mô hình Vườn Địa lý khí tượng thủy văn tại điểm trường học... Hoạt động của Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam tại địa phương đã khẳng định vai trò và giá trị thiết thực của việc lồng ghép tri thức bản địa với kiến thức khoa học về khí tượng thủy văn phục vụ phát triển bền vững cho cộng đồng.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, thời gian tới, Hội chủ động đề xuất, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan của ngành Tài nguyên và Môi trường; tiếp tục tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội và đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản của bộ, ngành có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật...
Tại Đại hội, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ qua, công tác của Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn những khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam Nguyễn Văn Thắng, từ khi thành lập đến nay, Hội có rất ít nguồn thu do chưa thu hội phí từ các hội viên; thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định về lĩnh vực hoạt động của Hội theo lời mời của các tổ chức, cá nhân nhưng chưa thu phí. Thời gian tới, Hội mong muốn được các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên, tạo điều kiện tham gia thực hiện một số nhiệm vụ, đề tài, dự án nghiên cứu để có thêm kinh phí, phục vụ tốt hơn hoạt động của Hội.