Chợ truyền thống Hà Nội - Bài 3: Sự dịch chuyển của thời cuộc

Khi nhu cầu cuộc sống ngày càng phát triển, các lĩnh vực kinh tế - xã hội phải thích ứng theo thì sự ra đời của hệ thống thương mại hiện đại là lẽ tất yếu. Đầu những năm 90, những siêu thị đầu tiên đã xuất hiện tại Hà Nội và hiện loại hình này đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng điều đó cũng tác động lớn đến hoạt động của chợ truyền thống và đến nay, điều không tránh khỏi là chợ truyền thống đang mất dần vị thế của mình.

Chú thích ảnh
Trung tâm thương mại chợ Mơ được xây dựng trên nền chợ Mơ truyền thống

Mờ dần bóng dáng cũ

Hà Nội hiện có trên 120 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện ích. Không thể phủ nhận sự tiện lợi, văn minh của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại mang lại song xét về góc độ văn hóa truyền thống thì các siêu thị, trung tâm thương mại hoàn toàn không thể đưa lại được.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, việc phát triển hệ thống thương mại hiện đại đã khiến nhiều chợ truyền thống rơi vào cảnh đìu hiu, thậm chí phải đóng cửa. Trong đó, nhiều chợ được cải tạo, nâng cấp theo mô hình chợ - trung tâm thương mại. Trên chính nền đất họp chợ, người ta đã cải tạo xây dựng thành các trung tâm thương mại cao tầng hiện đại và bố trí chợ dân sinh ở dưới tầng hầm. Có thể mô hình này khá phổ biến ở nhiều nước khác nhưng do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam nên hệ quả là các chợ dân sinh bị teo tóp dần, hoạt động một cách gắng gượng. Có chợ bị đóng cửa hoàn toàn như chợ Cửa Nam vì không có khách.

Một số chợ được coi là điển hình của công cuộc chuyển đổi này là chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Ô Chợ Dừa... Đặc biệt, công trình Trung tâm thương mại chợ Mơ được xây dựng trên diện tích đất trên 11.000 m2 của chợ Mơ cũ, là một tổ hợp gồm hai khối tháp cao 15 tầng và 25 tầng dành cho siêu thị, văn phòng cho thuê, chợ truyền thống. Chợ Mơ truyền thống được bố trí ở dưới tầng bán hầm, với tổng số ki-ốt đăng ký kinh doanh là 1.130 ki-ốt nhưng do sự đi lại bất tiện trong việc đi lại nên chợ vắng khách, số ki-ốt kinh doanh thực tế chỉ còn trên 300. Ngành hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống phải dừng hoạt động. Các ngành hàng khác, số lượng tiểu thương bán hàng cũng không nhiều.

Gắn bó với chợ Mơ hơn 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, tiểu thương ngành hàng mây tre đan cho biết, dù lượng người bán như vậy nhưng chợ lại vắng khách rõ rệt. Riêng mặt hàng bà đang kinh doanh chỉ tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và những ngày lễ lớn. Bà cũng cho hay, trước kia chợ tấp nập người ra vào nhưng từ khi chuyển đổi thành chợ - trung tâm thương mại thì lượng khách vắng đi nhiều. Mặc dù được bán hàng ở một địa điểm có hạ tầng tốt, không bị ảnh hưởng bởi nắng mưa nhưng kết quả kinh doanh bị giảm sút.

So với các chợ được cải tạo thành mô hình chợ - trung tâm thương mại thì chợ Mơ hoạt động sôi động hơn cả, bà con kinh doanh ở chợ còn tương đối đông. Ông Trần Ngọc Chiến, Trưởng Ban Quản lý chợ Mơ cho biết, để duy trì chợ hoạt động cũng là sự nỗ lực của Ban Quản lý và bà con tiểu thương cũng rất gắn bó với chợ. Vốn dĩ chợ Mơ thời xưa là chợ bán cây con giống và nông cụ tương tự như chợ Bưởi nên vẫn có tính truyền thống. Hơn nữa, giá cả các mặt hàng tại chợ tương đối hợp lý nên có thể vẫn thu hút được người dân trong vùng đến mua sắm nhiều hơn một số chợ khác.

Các chợ khác cũng trong diện chuyển đổi mô hình hoạt động, hiệu quả kinh doanh cũng giảm sút rõ rệt. Ngay cả Trung tâm thương mại chợ Hàng Da được xây dựng trên nền một chợ lâu đời nằm giữa phố cổ Hà Nội cũng trong tình trạng vắng khách. Chợ truyền thống được đưa xuống tầng hầm của trung tâm thương mại và cũng chịu số phận đìu hiu. Tại chợ - trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa, người ta cũng không thấy còn bóng dáng chợ truyền thống cũ...

Những xô lệch trong ứng xử

Chú thích ảnh
Từ khi xây dựng trung tâm thương mại chợ Cửa Nam, chợ truyền thống Cửa Nam phải đóng cửa do vắng khách.

Có một thời gian dài, văn hóa ứng xử trong chợ truyền thống bị xô lệch khiến nhiều người nhìn vào chợ truyền thống bằng sự thiếu thiện cảm. Đó có thể kể đến như: Giao tiếp chưa chuẩn mực, mắng chửi khách khi không vừa lòng, nói thách, chèo kéo khách, cân thiếu trọng lượng, bày hàng hóa ngổn ngang lấn chiếm lối đi, gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường không sạch sẽ... Đến nay, tình trạng này đã được cải thiện, nhất là việc giao tiếp với khách hàng đã hài hòa hơn, tình trạng mắng chửi khách không còn nhiều, chèo kéo khách cũng ít hơn, gây mất an ninh trật tự đã được hạn chế song các vấn đề khác vẫn còn xảy ra.

Trong vai khách mua hàng, chúng tôi vào chợ Nghĩa Tân tìm mua một bộ quần áo mùa hè cho trẻ nhỏ. Với chất liệu lanh, may cộc nhưng được chủ hàng nói thách với mức giá 120 nghìn đồng, sau một hồi trả giá, bộ quần áo được chủ hàng đồng ý bán với mức giá 80 nghìn đồng. Khi mang về, chỉ sau một lần giặt, một số chỗ đã tung chỉ đường may. Tại một cửa hàng dép, một đôi dép lê Mike được một chủ hàng nói với giá hơn 100 nghìn đồng, trong khi đó chủ một cửa hàng khác nói với giá 70 nghìn đồng.

Đến chợ Ngã Tư Sở, khu vực các quầy kinh doanh vắng khách, nhiều gian hàng đóng cửa để đấy. Chợ này đang trong quá trình sửa chữa lối thoát nước ở các đường đi nên khá bừa bộn. Khi hỏi mua hàng, tình trạng này nói thách cũng diễn ra. Cụ thể, một đôi dép được nói thách với giá 80 nghìn đồng nhưng khi khách trả 60 nghìn đồng chủ hàng cũng đồng ý bán. Ngay cả các quầy hàng bán mũ nón, quần áo hay bất cứ quầy hàng nào cũng có việc nói thách. Khi được hỏi tại sao không niêm yết giá cả theo quy định, các tiểu thương nói rằng, niêm yết thì khách cũng trả giá xuống nên thôi.

Hàng hóa được bày bán ở chợ, phần lớn đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bà con giải thích, đó là thói quen mua bán từ trước đến hay, hơn nữa nhiều mặt hàng mua của các hộ dân nhỏ lẻ về bán lại nên không thể có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Một số chợ lớn tại Hà Nội lại là điểm nóng về hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, trong đó điển hình như chợ Ninh Hiệp. Đây là đầu mối bán buôn vải, quần áo không chỉ cho Hà Nội mà cả các tỉnh phía Bắc nên hoạt động buôn bán ở đây rất sôi động. Cũng vì thế, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được kinh doanh tràn lan. Lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, thu giữ hàng hóa và xử phạt, trong đó có thời điểm thu giữ hàng chục tấn hàng vi phạm.

Tình trạng bày hàng hóa lấn chiếm lối đi, vệ sinh môi trường chợ không được sạch sẽ... xảy ra hầu hết các chợ. Nhất là đối với các chợ có khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả không tránh khỏi thực trạng vệ sinh môi trường không đảm bảo. Nguồn nước sử dụng xả ra, lượng rác thải ra, các mùi tạp bốc lên khiến cho môi trường bị ảnh hưởng nhiều.

Dù có những tồn tại nhất định nhưng chợ vẫn là hình ảnh quen thuộc, gần gũi của đại bộ phận người dân. Kể cả những nét đẹp hay những vẫn đề tồn tại thì hai mảng màu đó vẫn luôn nằm trong tâm thức của họ. Tuy nhiên, những nét đẹp luôn được hiện hữu để người ta yêu nó, nhớ về nó, trân trọng nó.

Bài 4: Giữ nét đẹp văn hóa chợ truyền thống

Đinh Thuận - Minh Ngọc (TTXVN)
Chợ truyền thống Hà Nội - Bài cuối: Hài hòa với nhịp sống hiện đại
Chợ truyền thống Hà Nội - Bài cuối: Hài hòa với nhịp sống hiện đại

Chợ truyền thống đang tồn tại song song cùng hệ thống thương mại hiện đại. Một bên là “bảo tàng” về văn hóa sinh hoạt thường ngày của người dân theo truyền thống cũ, một bên biểu đạt cho văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng hiện đại phù hợp với xu thế mới. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cần có những giải pháp để hài hòa hai loại hình trên, không vì xu thế thời đại mà coi nhẹ các yếu tố cũ và cũng không vì coi trọng truyền thống mà không tiếp nhận, cởi mở với cái mới. Sự hài hòa giữa truyền thống, hiện đại vừa có tính kế thừa, vừa có tính phát triển - một vấn đề quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN