Chờ “không gian yêu” cho voi nhà Tây Nguyên

Tạo điều kiện cho voi nhà sinh sản là điều cần tính tới, khi mà đàn voi Tây Nguyên đang dần mai một, và dự kiến 15- 20 năm nữa, sẽ không còn voi nhà nào trên “thủ phủ voi Việt Nam” này. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, khi mà “không gian yêu” của “những người bạn lớn” ấy đang ngày một thu hẹp.

Mùa con voi tìm bạn

Một chiều mùa khô, tại vùng hồ Lak (huyện Lak, tỉnh Lâm Đồng). Voi Bék Khăm, chú voi to khỏe nhất Tây Nguyên bấy giờ, cùng cả đàn voi của chủ voi Đàng Năng Long kết thúc ngày chở khách tham quan du lịch. Nài voi Ybrâu có việc đi vội, gọi điện báo: “Cháu cột Bék Khăm ở bụi tre gần nhà, còn con H’Túc (voi cái, bạn của Bék Khăm) thì cột trên núi cao”.

Đàn voi nhà là một trong những biểu trưng du lịch của Tây Nguyên.


“Không ổn rồi”, anh Long giật mình, chạy ra. Nhìn ánh mắt vằn đỏ, khóe mắt nổi bọt như xà phòng của Bék Khăm, anh nhắc nài mang ngay voi đực lên núi.

“Lên tới nơi, vừa cột xích xong thì Bék Khăm hất ngang chân nài, may mà không thương tích. Ngày hôm sau, 4 nài khác được cử lên núi, định gỡ voi về, cũng đều bị Bék Khăm đuổi đi. Chính chủ voi Đàng Năng Long lên núi, đứng phía sau gọi tên Bék Khăm. Voi quay ngoắt lại, đuổi anh liền. “Voi, khi được chủ gọi đúng tên, mà quay lại, xòe ngang tai ra chứ không vỗ tai là có chuyện rồi, không nên đến gần. Khi đuôi của nó chống lên là voi bắt đầu đuổi. Khi đó chỉ có chạy vắt chân lên cổ mới mong thoát chết”, anh Long cho biết.

Vậy là voi Bék Khăm vào mùa động dục. Xích đã cột chắc, anh Long đinh ninh cứ để voi đó, sau 7 ngày thì voi sẽ dịu đi. Không ngờ ngày thứ 6 thì voi dứt đứt xích, chạy mang theo cả đoạn xích sắt 28 m xuống khu dân cư, gây náo loạn một vùng.

“Nghe mọi người báo, mồ hôi tôi vã ra, lạnh người” - anh Long kể.

Ở Tây Nguyên, sợ nhất là mùa này. Con voi ngày thường hiền lành tới đâu, nhưng đã động dục, thì dữ dội và hung hãn, không thể lường được chuyện gì sẽ xảy ra. Chủ đến, voi cũng đuổi. Thậm chí, lực lượng công an, kiểm lâm được huy động cũng không khống chế nổi voi.

Quần thảo mấy ngày, sau rốt, chính chủ voi cùng 4 thợ bắt voi có kinh nghiệm phải cùng vào cuộc. Chân voi còn đoạn xích đứt, nhóm thợ lừa lấy được đầu xích, quấn vào cây to mong giữ được voi. Bék Khăm chống cự, xô cây to ngã luôn như xe ủi ủi đất. Xích được đưa qua cây thứ 2, quấn nhiều vòng thật chắc. Phải sau 10 ngày bị cầm chân, không được uống nước, mỗi ngày chỉ được ăn 5-6 thân cây chuối thì Bék Khăm mới nguôi ngoai. “Voi bắt đầu nhận biết chủ trở lại, con mắt nhìn mình trìu mến, bớt đỏ. Khi đó, Bék Khăm được tháo xích cho đi uống nước và cho ăn”- anh Long kể.

Voi thường động dục theo mùa, chủ yếu vào mùa khô. Quá trình động dục của những con voi đực to khỏe thường kéo dài dữ dội trong khoảng 10 ngày như vậy, con yếu hơn thì khoảng 7 ngày. Những con voi cái, nhu cầu sinh lý cũng theo chu kỳ. Có những voi cái không bạn tình, vào một số thời điểm nhất định, “tính tình” rất cắm cảu, khó chịu. Xưa ở Tây Nguyên có con voi cái kéo gỗ giỏi, mùa nước lớn lội băng băng qua sông Krông Nô, dù không voi nào qua được. Do đó, nó được gọi là con Tàu Bò, như cái xe tàu bò bọc thép lội nước. “Con voi đó được 126 tuổi. Nó không đẻ lần nào mà cũng không có bạn tình, nhiều lúc thấy tính khí nó thất thường, mình hiểu nỗi khổ của nó mà thương cho nó” – một chủ voi kể lại.

“Biết đặc điểm sinh học của voi để thông cảm cho voi, và để hiểu rằng khi voi không được đáp ứng nhu cầu tự nhiên, thì vật vã dữ dội thế nào” - anh Long phân tích.

Chờ môi trường sinh sản cho voi

Thương voi vật vã vì nhu cầu tự nhiên một, thì lo mười về đàn voi nhà mai một bởi ngày càng ít voi con được sinh ra – đó là tâm lý chung của các chủ voi ở Tây Nguyên hiện nay. Thông tin từ các chủ voi Tây Nguyên: Khoảng 20 năm trở lại đây, không có chú voi con nào được sinh ra từ voi nhà.

Xưa, đàn voi nhà thường được bổ sung từ nguồn voi sinh sản hoặc bắt từ rừng về. Ngày đó, xu hướng bắt từ rừng về nhiều hơn, vì có luật tục kiêng chuyện giao phối của voi, cho dù nếu nhà nào có voi cái sinh ra con thì lại rất mừng. Có nhiều lý do của việc kiêng giao phối, ngày nay, được lý giải là để tránh các nguy cơ có thể xảy ra: Thứ nhất, là nguy cơ xung đột. Ví dụ con đực thích con cái mà con cái không thích thì con cái sẽ bỏ đi. Con cái thích mà cứ bám mãi con đực nhưng con đực không thích thì có khi voi đực đánh con cái, gây thương tích. Lý do thứ 2 là nếu cho hai voi ở với nhau, quyến luyến quá thì voi sẽ lười làm việc; khi voi cái sinh nở cũng mất 3-4 năm chửa đẻ và nuôi con, không làm việc được. Lý do thứ 3 là khi giao phối, voi đực nếu quá to lớn hoặc có ngà thì hay làm tổn thương voi cái. Nếu phối giống mà không thành, có khi chủ voi cái còn... bắt đền vì voi đực làm voi cái bị thương.

“Nay, đồng bào đã thay đổi cách nghĩ và luật tục này rồi” – chủ voi Đàng Năng Long cho biết. Đối với người Tây Nguyên, con voi không chỉ là tài sản vật chất, mà còn là niềm tin tâm linh. Trước sự mai một của đàn voi nhà hiện nay, không chỉ các chủ voi, mà mọi người dân đều trăn trở và chấp nhận chuyện cho voi giao phối, sinh sản.

Tuy nhiên, đến lúc này thì lại gặp những rào cản: Trước hết là khó tìm kiếm một khoảng không gian đủ rộng và riêng tư để voi tìm hiểu bạn tình và giao phối. “Voi khác các động vật khác ở chỗ: Không phải cứ có con đực – con cái là có thể giao phối. Voi kết đôi có lựa chọn. Phải từ 10 -20 con thì chúng mới tìm hiểu, lựa chọn được bạn tình, từ đó mới giao phối, sinh con” – anh Đàng Năng Long cho biết. Do đó, cần khoảng 5- 10 ha rừng, mà phải là rừng tự nhiên, đa dạng các loài thực vật để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày của một đàn voi (mỗi con voi, mỗi ngày cần khoảng 150 kg thức ăn, 160- 300 lít nước và muối khoáng). Rừng trồng, thường chỉ một vài loài cây, và chủ yếu trồng một loại cây trồng chính để lấy gỗ, không phù hợp với thói quen ăn uống cần tới khoảng 100 loại cây củ lá rễ khác nhau của voi.

Thêm vào đó, khi voi giao phối, chúng cần một không gian trống trải, yên tĩnh, riêng tư, rộng khoảng vài trăm mét vuông. Lý do: Khi giao phối, voi lâm vào tư thế hớ hênh, không thể tự vệ. Nếu có voi đực khác hoặc con vật khác thì chúng không an toàn. Vì thế voi đực bao giờ cũng đuổi hết các con vật khác trong không gian này, và cả con người.

“Nhưng, nay thì rừng núi đâu còn chỗ? Thả voi ra, có khi mất đuôi, mất ngà, mất cả mạng voi” - anh Long than.

Thực ra, ngay tại Đắk Lắk vẫn còn những diện tích rừng tự nhiên có thể đáp ứng được các yêu cầu của một “vườn sinh sản voi” như vậy. Cách trung tâm huyện Lak khoảng 16 km có Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka. “Nhưng nếu mình thả voi vào, ai trông nom?”- anh Long trần tình.

Thời gian giao phối tự nhiên, không xiềng xích thả trong rừng của voi là khoảng 3 tháng, ảnh hưởng tới thời gian làm việc của voi nhà. Lý do kinh tế này cũng là một rào cản với việc tạo điều kiện cho voi nhà sinh sản. “Thái Lan mỗi năm trả cho chủ voi một số tiền, để đến mùa voi sinh sản thì thả vào rừng tự nhiên cho voi tìm bạn tình, như vậy có lẽ phù hợp” - một số chủ voi cho biết.

Và đây là rào cản nữa: Con voi rất giá trị. Voi đực giá 700- 800 triệu đồng tới 1 tỷ đồng; voi cái cũng 300- 400 triệu đồng. Bảo hiểm voi chưa có, nên dù nếu có khu “quy hoạch sinh sản” e rằng ít có ai dám nhận giữ khối tài sản lớn như vậy, khi mà những kẻ săn trộm, cắt trộm đuôi luôn rình rập. Thêm vào đó voi thuộc diện động vật quý hiếm, thuộc diện quản lý của Nhà nước, khi di chuyển phải xin phép. Mỗi lần cho voi “đi sinh sản”, lại cần giấy tờ, thủ tục phức tạp, liệu các chủ voi có mặn mà?

“Mỗi dịp tụ họp, mọi người lại vun vào, động viên tôi đứng ra chủ trì tạo một không gian sinh sản cho voi. Bản thân tôi cũng đã tìm được một số Mạnh Thường Quân, sẵn sàng hỗ trợ” - anh Đàng Năng Long, người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên hiện nay (9 con) cho hay. “Tôi cũng trăn trở trước giải pháp này. Nếu Nhà nước cho tư nhân mượn một khoảng rừng phù hợp thì là điều lý tưởng nhất. Tất nhiên, phải lựa chọn những cá nhân có điều kiện đầu tư, có uy tín và thực sự tâm huyết, có cam kết với Nhà nước; đồng thời Nhà nước phải tiến hành kiểm tra thường xuyên và có cơ chế phạt nặng nếu chủ vườn lấy lý do “mượn rừng” này để xâm hại rừng.

“Tuy nhiên, tôi vẫn chưa mạnh dạn, bởi có điểm còn mâu thuẫn: Cho tư nhân đứng ra tổ chức “không gian yêu” cho voi là hợp lý, bởi giao vào tay tư nhân thì quy mô nhỏ, không tốn bộ máy cồng kềnh với kinh phí lớn. Nhưng, điều này lại kèm theo cái khó: Người được giao rừng có thể không vi phạm cam kết xâm hại rừng, nhưng khó có thể kiểm soát các lực lượng khác, nhất là khi lâm tặc luôn lăm lăm cưa, đục” – anh Long tâm sự.

Luẩn quẩn trong những khó khăn này, một “không gian yêu” của voi vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Trong khi đó, đàn voi nhà Tây Nguyên vẫn mai một từng ngày.


Thùy Hương

Mối tình không đơm trái

Y Chút 60 tuổi, là voi nổi tiếng nhất Tây Nguyên. Vóc dáng to lớn, cân đối, cặp ngà dài cong, oai hùng, ánh mắt đầy uy lực mà nhân từ. Thật không hổ danh “voi thủ lĩnh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN