Chiến đấu cho ngày toàn thắng​

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên phát triển bứt phá. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, mỗi người dân càng tự hào về truyền thống lịch sử, càng biết ơn những anh hùng, liệt sỹ, những người có công làm nên chiến thắng vĩ đại ấy.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tròn, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) kể lại những ký ức thời kháng chiến cho thế hệ trẻ. 

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Ninh luôn đoàn kết xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ hậu phương, đáp ứng đầy đủ và chi viện kịp thời sức người, sức của với quyết tâm "tất cả vì tiền tuyến"; vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Toàn tỉnh đã có hàng nghìn anh hùng liệt sĩ hy sinh và 1.115 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng; 51 tập thể và 24 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, toàn tỉnh có gần 5.000 hội viên Hội Cựu chiến binh tham gia. Họ đã đóng góp một phần xương, máu cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Vinh dự và tự hào trong thời khắc kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tròn, sinh năm 1950, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là niềm tự hào, là dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời người lính của ông.

Mặc dù tuổi đã cao, mắt đã mờ nhưng ông Tròn vẫn nhớ như in, vào năm 1967, mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông xung phong nhập ngũ, tham gia tại chiến trường miền Nam. Sau 5 năm nhập ngũ, chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ông được điều động về công tác tại Phòng Chính trị, Bộ tham mưu Miền.

Đầu tháng 4/1975, khi Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi vang dội, khí thế cách mạng càng lên cao, ông Tròn nhận được lệnh điều động đi nhận nhiệm vụ đặc biệt tại Bộ Tư lệnh chỉ huy tiền phương đóng tại Tây Ninh - Giàu Tiếng để chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng, Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nhớ lại giây phút đó, ông Tròn bồi hồi: “Ngày đó, cả đơn vị chúng tôi ai lấy đều rộn ràng khí thế. Mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của trận chiến này, một trận chiến mang tính quyết định vận mệnh của dân tộc. Tại đây, tôi được nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh chỉ huy tiền phương. Mặc dù đi trong bom đạn, đối mặt với hiểm nguy bất cứ khi nào, có khi chỉ chậm vài tích tắc đồng hồ là dính bom nhưng với lòng quả cảm, lòng sôi sục thống nhất đất nước, tôi và các đồng đội hoàn thành 100% những lần đưa công văn, điện mật, tối mật từ Bộ Tư lệnh miền đến các đơn vị, giúp quân ta từng bước đánh tan các cứ điểm của địch, mở cánh cửa tiến về Sài Gòn”.

Đối với ông, hình ảnh chiếc xe tăng của quân ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh chính là hình ảnh đậm sâu nhất trong tâm trí ông. Lúc đó, mặc dù không được trực tiếp có mặt tại đó, nhưng khắp các chiến trường, toàn quân, toàn dân đều hô vang "Giải phóng rồi!”. Ông cùng các đồng đội ôm nhau trong niềm vui khôn xiết ở Bộ Tư lệnh chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh khi nghe tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh. Trải qua gần 10 năm kháng chiến khốc liệt, trong lúc này, bỗng trong đầu ông bắt đầu ánh lên niềm vui đoàn tụ gia đình, ngày đất nước thống nhất đã trở thành hiện thực.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Hoàng Công Tỏ (bên trái) tại xã Đức Long, thị xã Quế Võ (Bắc Ninh) chia sẻ về những năm tháng chiến đấu. 

Còn đối với cựu chiến binh Hoàng Công Tỏ, sinh năm 1946, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nguyên Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 4 Pháo binh, ký ức về những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ giống như bản hùng ca đầy tự hào nhưng cũng nhiều bi thương. Cầm trên tay những kỷ vật thời hoa lửa, đôi mắt ngấn lệ, ông Hoàng Công Tỏ cho biết, ông may mắn hơn mọi người là được chiến đấu, chứng kiến thời khắc toàn thắng và được trở về với gia đình nhưng có rất nhiều người đồng đội của ông đã mãi mãi nằm xuống.

Ông Tỏ cho biết: Năm 1969, ông nhập ngũ vào chiến trường Tây Nguyên và công tác ở phòng cơ yếu mặt trận. Năm 1971, ông là Chính trị viên phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 45, Trung đoàn 40. Tháng 4/1972, ông tham gia Chiến dịch Bắc Kon Tum.

Trong một trận chiến, đơn vị bị bom đánh, cả Trung đoàn có 108 người thì chỉ còn 25 người, số còn lại bị bắt và hy sinh. “Đến giờ, mỗi lần nhắc lại trận đánh đó, hình ảnh những người đồng đội ngã xuống, bị thương nặng ngay trước mắt mình vẫn khiến tôi không khỏi đau xót”, ông Hoàng Công Tỏ buồn bã nói.

Sốc lại tinh thần, vừa chiến đấu vì đất nước, vì đồng đội, ông cùng các đồng chí khác tiếp tục với những trận đánh mới. Những ngày cuối năm 1974, đầu năm 1975, cả chiến trường miền Nam khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên. Ngoài lực lượng chủ lực ở đây, Tây Nguyên được tăng cường thêm các lực lượng cao xạ, công binh, đặc công, thiết giáp… Lúc này, quân địch ở Tây Nguyên lực lượng mỏng, lại bị đánh nghi binh, nên thất bại liên tiếp. Quân ta nhanh chóng giải phóng Tây Nguyên.

Thực hiện phương châm của Bộ Chính trị, “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đầu tháng 4/1975, Trung đoàn 4 của ông Tỏ và các trung đoàn khác hành quân, tập kết tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại hướng Tây Bắc Sài Gòn, trong trận đánh lịch sử này, Trung đoàn 4 được lệnh thay pháo 122 ly bằng pháo 105 ly làm nhiệm vụ chế áp sân bay Tân Sơn Nhất, không cho máy bay địch cất cánh, cấp tập tấn công mạnh để bộ binh Sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời, mở một mũi tấn công đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy lúc 9 giờ ngày 30/4. Hai khẩu pháo của Trung đoàn 4 bắn thẳng theo mũi tấn công, đánh chiếm cổng số 5 của sân bay và Bộ Tổng tham mưu ngụy.  Lúc 10 giờ, cờ giải phóng của Sư đoàn đã tung bay trên tòa nhà Bộ Chỉ huy hành quân của địch và sân bay Tân Sơn Nhất.

Giọng nói hào sảng, ông Tỏ nhớ lại, lúc này, quân địch rất hoang mang lo sợ, chúng tháo chạy toán loạn, nhân dân vui mừng phấn khởi. Trong khoảnh khắc này, chiến binh Hoàng Công Tỏ dùng pháo binh dọn dẹp lô cốt, hàng rào và các chướng ngại vật do quân dịch lắp đặt. Đồng đội của ông là liệt sỹ Nguyễn Minh Sơn (quê tại tỉnh Thái Bình) trúng đạn của kẻ thù và hy sinh ngay trước mắt ông. Nén lại đau thương, ông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, dọn dẹp tàn dư của cuộc chiến, tiến vào sân bay, diệt tất cả các lô cốt của địch.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những cựu chiến binh như ông Tròn, ông Tỏ và các đồng đội. Đó là những ngày tháng hào hùng, là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm về tháng Tư năm 1975 sẽ mãi mãi là một phần không thể thiếu trong lịch sử dân tộc, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cho các thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: Thanh Thương (TTXVN)
50 năm Thống nhất đất nước: 'Hòa bình đẹp quá!'
50 năm Thống nhất đất nước: 'Hòa bình đẹp quá!'

Do khác nhau về múi giờ nên khi cả nước Việt Nam được cùng theo dõi Lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì tại Liên bang Nga mới là 2 giờ sáng. Nhiều bạn trẻ tại Moskva đã hẹn giờ để dậy giữa đêm xem diễu binh, nhiều bạn khác thì xem chương trình phát lại. Dù vào giờ nào thì một cảm xúc tự hào dâng trào là những gì các bạn nói về ngày 30/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN