Tình hữu nghị và hồi ức về ngày Việt Nam thống nhất thắp sáng trụ sở Đảng Cộng sản Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, hòa trong niềm vui chung của dân tộc Việt Nam, tối 29/4 tại trụ sở Đảng Cộng sản Pháp (PCF) ở thủ đô Paris đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước Việt Nam, được ghi dấu bằng sự kiện giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Chú thích ảnh
Ông Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp phát biểu tại buổi lễ. 

Buổi lễ do Đảng Cộng sản Pháp và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức, đã quy tụ nhiều đại diện ngoại giao và các Hội đoàn hữu nghị với Việt Nam, các nhà sử học, các nhà báo và nghệ sĩ. Đông đảo bà con kiều bào và bạn bè Pháp cùng tham dự buổi lễ đầy ý nghĩa với nhiều lời chứng và suy ngẫm về lịch sử.

Khai mạc buổi lễ, ông Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày 30/4: "Ngày Giải phóng ấy không chỉ đơn thuần là ‘sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn’ như các tài liệu lịch sử tại Pháp thường mô tả. Đó là hồi kết của một cuộc chiến kéo dài 10.000 ngày, có lẽ là dài nhất trong thế kỷ 20 và cũng là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất”.

Theo ông Fabien Roussel, ngày kỷ niệm này mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà còn là ngày kỷ niệm của một tình bạn, tình đoàn kết sâu sắc của những người cộng sản Pháp với nhân dân Việt Nam.

Ông nhấn mạnh: "Ở Pháp, đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp, từ những năm 1950, chúng tôi đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam, lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh đó, tố cáo những tội ác chiến tranh và đòi hỏi nền độc lập cho Việt Nam". Ông cũng không quên nhắc đến mối quan hệ lịch sử từ Đại hội Tours năm 1920, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt tại thời điểm thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

“Lịch sử chung của chúng ta đã hơn một thế kỷ. Nó bắt nguồn từ khát vọng chung về giải phóng con người, phản đối chiến tranh, chống lại mọi hình thức áp bức và bóc lột giữa các dân tộc”. Ông khẳng định không chỉ ủng hộ Việt Nam trong quá khứ mà tình đoàn kết này vẫn được vun đắp cho đến ngày nay. Ông cho biết: “Nhiều đoàn đại biểu của Đảng chúng tôi, các đại biểu địa phương Pháp và các đảng viên cộng sản vẫn thường xuyên đến thăm Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết được thể hiện bằng hành động, điều mà chúng tôi đặc biệt trân trọng, bởi điều này nuôi dưỡng tình hữu nghị và sự gắn kết”.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại buổi lễ. 

Trong bầu không khí xúc động và ấm tình hữu nghị, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thay mặt nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân Pháp và đặc biệt là những người cộng sản Pháp vì sự ủng hộ kiên định không gì lay chuyển nổi của họ trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng giới thiệu với Bí thư toàn quốc PCF Fabien Roussel số báo Nhân Dân đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước Việt Nam. 

Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh sự cống hiến của các nhà hoạt động Pháp, những người bạn thủy chung của Việt Nam như Henri Martin, Raymonde Dien, Madeleine Riffaud, Léo Figuères và những nhân vật khác đã luôn ủng hộ và sát cánh cùng Việt Nam.

“Ngày 30/4/1975 đánh dấu chiến thắng vĩ đại của nhân dân chúng tôi - thành quả của biết bao hy sinh vì hòa bình và độc lập dân tộc. Nhưng chiến thắng này không chỉ là của riêng Việt Nam. Đó là chiến thắng của lương tri và công lý, là nguồn cảm hứng cho mọi dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới”, Đại sứ khẳng định và không quên nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công!”.

Chú thích ảnh
Khán giả xem phim tài liệu “Chỉ người thức lâu mới biết đêm dài” của nhà báo Daniel Roussel, cựu phóng viên thường trú nhật báo l’Humanité tại Việt Nam. 

Nhân dịp này, khách mời đã được xem cuốn phim tài liệu “Chỉ người thức lâu mới biết đêm dài” do nhà báo Daniel Roussel, cựu phóng viên thường trú nhật báo l’Humanité tại Việt Nam trong những năm 1980, thực hiện.

Với thời lượng gần 60 phút, bộ phim tái hiện tình đoàn kết của người cộng sản Pháp với nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định Paris, từ năm 1968 đến 1973, tạo tiền đề cho chiến thắng 30/4/1975 thống nhất đất nước. Những ký ức do các nhân chứng trong phim chia sẻ đã mang đến cho người xem cả nụ cười và nước mắt.

"Bộ phim này cho thấy người dân Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã có một mối quan hệ lịch sử sâu sắc do chính những người cộng sản Pháp xây dựng nên", theo bình luận của tác giả Daniel Roussel.

Chú thích ảnh
Tọa đàm bàn tròn về nguồn gốc và hậu quả của chiến tranh Việt Nam tại buổi lễ. 

Bộ phim được tiếp nối bằng một cuộc tọa đàm bàn tròn với sự dẫn dắt của các nhà sử học Alain Ruscio, Pierre Journoud và Đại sứ Việt Nam tại Pháp, giúp làm sáng tỏ nguồn gốc và hậu quả của chiến tranh Việt Nam.

Theo nhà sử học Alain Ruscio, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của nhân dân Việt Nam, được đánh dấu bằng việc giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975. Trước hết, là do ý chí quyết tâm của nhân dân Việt Nam, sự đoàn kết của một dân tộc khi đối đầu với một cỗ máy chiến tranh cực kỳ hùng mạnh. Thêm vào đó là các phương pháp đấu tranh nhân dân, dựa vào sự ủng hộ của quần chúng để tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng phải kể đến bối cảnh quốc tế, được thể hiện qua sự hậu thuẫn của các đồng minh xã hội chủ nghĩa và cả sự ủng hộ của dư luận quốc tế, từ Pháp, từ Mỹ và nhiều nước khác, trong đó Đảng Cộng sản Pháp cũng đóng vai trò quan trọng.

Nhà sử học Pierre Journoud đã tóm lại quy mô đặc biệt của cuộc chiến tranh Việt Nam trong một kết luận ngắn gọn mà bao quát: "Đây là cuộc chiến của mọi siêu cấp: dài nhất, tốn kém nhất và tàn phá nhất, với khối lượng bom đạn gấp 2,5 lần tổng số các quả bom được thả xuống trong Chiến tranh Thế giới thứ 2".

* Cũng trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 30/4, một cuộc triển lãm có tên "Việt Nam: Những tấm áp phích hòa bình" đã được khai trương tại sảnh lớn của trụ sở PCF. Mở cửa đến ngày 14/6, triển lãm nhằm tái hiện lại sự ủng hộ của giới làm nghệ thuật Pháp đối với hòa bình Việt Nam trong suốt giai đoạn 1945 - 1975. Sự kiện cũng là dịp để công chúng Pháp có thể thấy cách mà cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ quốc tế như thế nào.

Chú thích ảnh
Bí thư toàn quốc PCF Fabien Roussel giới thiệu với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng một bức tranh cổ động được các họa sĩ Pháp thể hiện vào những năm 1960. 

Triển lãm giới thiệu các tác phẩm của Picasso, người đã thực hiện bức họa "Vũ điệu hòa bình" cho tờ báo L'Humanité vào năm 1954; nhắc lại "Ngày trí thức vì Việt Nam" ngày 23/3/1968, đã quy tụ hàng nghìn trí thức và nhân vật nổi tiếng như Aragon, Simone de Beauvoir, Jean-Paul Sartre và những người khác; và giới thiệu chủ đề "Phòng Đỏ cho Việt Nam", một sáng kiến tập thể của các nghệ sĩ độc lập, phi đảng phái chính trị, thể hiện sự ngưỡng mộ của họ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam thông qua các tác phẩm nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Bí thư toàn quốc PCF Fabien Roussel giới thiệu với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng một bức tranh cổ động được các họa sĩ Pháp thể hiện vào những năm 1960. 

Buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước Việt Nam tại trụ sở đảng PCF đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và cảm xúc sâu lắng trong lòng người tham dự. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Jean-Jacques Guérin, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV), bày tỏ sự hài lòng khi sự kiện được tổ chức tại trụ sở của PCF. Nhắc lại đóng góp của hiệp hội trong việc vận động người dân Pháp hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập và thống nhất của mình, ông Jean-Jacques Guérin cũng cho biết AAFV mới đây đã được Nhà nước Việt Nam công nhận và gửi giấy khen về những đóng góp cho tình đoàn kết và hữu nghị với Việt Nam.

Trong tâm trạng bồi hồi, bà Lệ Quyên, một Việt kiều tại Pháp, đã bày tỏ niềm vui và niềm tự hào khi được tham dự lễ kỷ niệm này. “Sự kiện khiến tôi nhớ lại ngày 23/6/1975, tôi đã rất may mắn được cùng nhà thơ Lưu Trọng Lư và nhà phê bình văn học Hoài Thanh đi từ Bắc vào Nam để giới thiệu thơ cách mạng, thơ của Bác Hồ và thơ tiền chiến", bà chia sẻ ký ức của mình về chuyến đi đầy ý nghĩa sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, "Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn", đúng như tâm nguyện của Bác Hồ.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm "Việt Nam: Những tấm áp phích hòa bình". 

Lễ kỷ niệm không chỉ là sự kết hợp giữa hồi ức của quá khứ và suy ngẫm về tương lai, mà còn là minh chứng cho chiều sâu và sự bền vững của những mối tình hữu nghị và đoàn kết giữa Pháp và Việt Nam, vượt lên trên những thăng trầm của lịch sử.

Như Đại sứ Việt Nam tại Pháp kết luận: "Những bước phát triển của tình hữu nghị cũng như hợp tác song phương trong thời gian qua, trong đó nổi bật lên là chuyến thăm Pháp tháng 10/2004 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi đó và việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Pháp, là sự kế thừa mức cao những gì đã gắn bó giữa nhân dân hai nước giữa Pháp và Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua. Và chúng tôi nghĩ rằng các thế hệ mai sau, cũng như các bạn thanh niên Pháp và Việt Nam cần tiếp tục phấn đấu để gìn giữ và phát huy hơn nữa những di sản cũng như những kết quả của tình hữu nghị và hợp tác Việt-Pháp".

Tin, ảnh: Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Lãnh đạo chính đảng, các nước gửi thư, điện chúc mừng Việt Nam kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam,
Lãnh đạo chính đảng, các nước gửi thư, điện chúc mừng Việt Nam kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam,

Nhân dịp Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), cùng với đoàn đại biểu các đảng, các nước sang dự Lễ Kỷ niệm, nhiều lãnh đạo các chính đảng các nước đã gửi thư, điện chúc mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cùng các cấp lãnh đạo của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN