Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được tặng hoa AH LLVTND Trần Thị Sửa.
Tham gia cách mạng năm 15 tuổi
Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An, 15 tuổi, Trần Thị Sửa (Sáu Sửa) tham gia cách mạng. Cha là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi Sáu Sửa mới 5 tuổi. Mẹ là người có công cách mạng, nuôi cán bộ lãnh đạo của tỉnh.
Cha mất, mẹ một mình gồng gánh nuôi 6 người con. Trong đó, ba anh em gồm người anh thứ Tư, Sáu Sửa và em trai út cùng đi kháng chiến. Em trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ khi mới tuổi đôi mươi. Sau này, mẹ của bà được phong tặng anh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Bà tham gia kháng chiến đến năm 23 tuổi thì lập gia đình. Chồng là bộ đội, cưới được 5 ngày thì ông hy sinh. Gạt hết đau thương, bà tiếp tục kiên cường chiến đấu.
Đầu năm 1965, bà Sáu Sửa được Đảng phân công vào thành phố Sài Gòn xây dựng cơ sở: làm công nhân dệt để xây dựng cơ sở trong lòng công nhân. Bằng sự khôn khéo, bà khiến công nhân nhận ra bộ mặt của kẻ cướp nước, từng bước giúp họ giác ngộ, đi theo con đường cách mạng.
Bà Sáu Sửa cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt tên Bính - nhân viên CIA cực kỳ nguy hiểm, có nhiều tội ác.
Năm 1969, bà bị lộ, Đảng phân công về huyện Thủ Thừa với nhiệm vụ gây dựng cơ sở cho lực lượng của ta. Đến năm 1972, bà là Huyện ủy viên, Bí thư Ban cán sự thị trấn Thủ Thừa. Đó là vùng trắng (địch đánh chiếm, quản lý), bà Sáu Sửa phải xây dựng cơ sở, làm bàn đạp tấn công sào huyệt của địch tại thị trấn Thủ Thừa.
Năm 1972 - 1975, bà được Tỉnh đội Long An phân công chuẩn bị cho chiến dịch. Vị trí Long An đối với địch và ta đều đặc biệt quan trọng. Là cửa ngõ phía Tây Sài Gòn, muốn đánh được các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì phải đánh chiếm Long An.
Lúc bấy giờ, Tỉnh đội Long An giao cho bà nhiệm vụ đứng chân trong Ban Chỉ huy Trung đoàn 3 - Sư 5: phối hợp làm sao đưa lực lượng vũ trang về tấn công thị trấn Thủ Thừa, để mở đường cắt và làm chủ lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay) đoạn từ cầu Voi đến gần thị xã Tân An nhằm bảo đảm hành lang vận chuyển chiến lược; đồng thời, cắt đường tiếp viện của quân địch cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây được xác định là nhiệm vụ rất khó khăn, gian khổ. Là người thông thuộc địa bàn, bà làm công tác dẫn đường, chuẩn bị cho những cuộc tiến công quyết định. Nhận nhiệm vụ, bà Sáu Sửa xác định dù có phải hy sinh nhưng nhất định tất cả cho tiền tuyến. Nhờ ý chí và quyết tâm như vậy, bà mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hai chiến tích đặc biệt của bà trong Chiến dịch Hồ Chí Minh: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược cấp trên giao cắt, làm chủ lộ 4, góp phần cùng lực lượng tại chỗ giải phóng Thủ Thừa - Long An, đồng thời cứu được 3 đồng chí trong vòng vây của địch. Lúc vận chuyển qua sông, anh em đi vào ổ biệt kích của giặc. Là người thông thuộc địa bàn, ngay thời điểm sinh tử đó, bà xác định, chỉ có mình xông thẳng vào vòng vây quân địch thì mới giải cứu 3 sĩ quan chỉ huy bộ đội ta là Chính trị viên Đại đội Lê Văn Khánh, Tiểu đoàn trưởng Thái và Trung đội trưởng Sơn.
Lợi dụng địa hình có con rạch nhỏ, bà dẫn anh em né vòng vây rồi men theo rạch bò lên, chạy thoát. Nhận ra thấp thoáng bóng của bà, chúng hét: “Bắt sống con Việt cộng nữ!” (Chính trị viên Đại đội Lê Văn Khánh còn sống, ở Nghệ An, vẫn thường xuyên liên lạc với bà. Người cựu chiến binh gần 80 tuổi, vẫn luôn xem bà Sáu Sửa như người mẹ thứ hai đã sinh ra mình một lần nữa).
Trở về với đơn vị, họ lại tiếp tục kề vai sát cánh góp sức giải phóng miền Nam. Là phụ nữ gầy gò, lúc đó chỉ nặng 42kg, bà Sáu Sửa dễ dàng qua mắt địch khi giả làm người dân, tiếp cận các đồn, bốt địch, đếm từng bước chân mình để đo khoảng cách, cung cấp cho lực lượng pháo binh của ta. Trên quốc lộ, lính dày đặc, chỉ có thể đếm bước chân chứ không vẽ sơ đồ được. Khoảng cách càng chính xác, ta càng dễ dàng tấn công. Những nỗ lực của nữ anh hùng Trần Thị Sửa góp phần vào những chiến thắng vang dội trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Đêm 28 rạng 29/4, ta đã đánh chiếm Thủ Thừa, cắt được lộ 4, chúng không thể tiếp viện cho miền Tây. Lúc đó cán bộ, chiến sĩ kêu gọi đồng bào, người dân mang bàn ghế, các chướng ngại vật ra để cản trở. Từ ngày 26 - 29/4, Sư đoàn 5 cùng quân, dân Thủ Thừa tiến công đánh chiếm các mục tiêu trên địa bàn huyện và thị xã Tân An, giải phóng thị xã vào sáng 30/4, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cho tới bây giờ, bà vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc vỡ òa ngày được nhìn thấy hòa bình. Năm 1995, bà Trần Thị Sửa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.
Lấy nhân dân làm trọng
Về hưu, bà Nguyễn Thị Bé làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí tỉnh Long An đến nay.
Sau giải phóng, bà làm Phó Chủ tịch quân quản tại huyện Thủ Thừa, tổ chức chính quyền từ ấp đến xã, xây dựng lực lượng, cải tạo quân lính.
Khi ở cương vị là Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa (giai đoạn 1984 - 1995), bà để lại nhiều dấu ấn trong cải tạo giao thông, thủy lợi, phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng.
Thủ Thừa là huyện đầu tiên trong tỉnh có đường nhựa, đoạn từ Bình Ảnh (giao Quốc lộ 1A) đi vào trung tâm huyện. Đây cũng là kết quả của phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thời đó, người dân làm nông nghiệp rất nghèo, chỉ có cây lúa 1 vụ, năng suất rất thấp, làm sao làm đường nhựa. Bà vận động nhân dân, rồi “năn nỉ” ngành Giao thông, không có tiền làm đường nhựa huyện trả bằng lúa.
Thủ Thừa cũng là huyện đầu tiên xây dựng Quỹ quốc phòng toàn dân, luôn luôn đi đầu trong phong trào quốc phòng toàn dân. Bí thư Huyện ủy được đi báo cáo điển hình Quân khu, điển hình toàn quân, báo cáo điển hình ở Trường Quân sự Trung ương.
Là lãnh đạo, bà luôn luôn suy nghĩ phải sáng tạo, năng động, không phải đợi trên chỉ đạo mới làm. Miễn làm gì có lợi cho dân thì nhân dân sẽ nghe theo và thực hiện. Rồi bà “xắn quần” xuống cùng nhân dân làm thí điểm. Người nữ Bí thư xắn quần tới đùi, đi đắp đê cho nhân dân khi lũ lụt. Theo bà, lo cho bà con cũng là để giáo dục, thuyết phục cán bộ. Từ đó, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ, làm việc gì cũng hanh thông.
Giai đoạn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhiều chương trình an sinh xã hội, nhất là hướng tới bà con vùng xa vùng khó khăn vẫn luôn được bà quan tâm thực hiện. Những công trình mang dấu ấn của bà là Quốc lộ 62 và Bệnh viện Đa khoa Long An. Đó là hành trình bà đi xin Trung ương vốn, thúc đẩy nhanh quá trình xây bệnh viện và nâng cấp, trải nhựa đường tỉnh 49 thành Quốc lộ 62 như ngày nay.
Nữ anh hùng kiên trung theo Đảng
Anh hùng LLVTND Trần Thị Sửa trong khu vườn hàng chục hécta trồng măng cụt và bưởi của mình.
Năm 1996, bà gặp và nên duyên vợ chồng cùng nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - Đặng Văn Ninh (ông Hai Ninh). Đến khi về hưu năm 2000, hai ông bà mới chính thức về chung nhà tại Tây Ninh. Bản chất dám nghĩ dám của 2 người chiến sĩ cách mạng đến lãnh đạo khiến 2 ông bà dù về hưu cũng không ngơi nghỉ.
Ông bà dành tiền tích cóp để mua đất lập nghiệp ở huyện biên giới Tân Châu, Tây Ninh. Bà xới từng khoảnh đất, vun từng gốc cây, nhặt từng ngọn cỏ. Bà kể: Ông luôn giữ vai trò là người hoạch định, vạch ra công việc cần làm, bà là người thực hiện.
Khi vườn cao su và hồ tiêu vào mùa thu hoạch cũng là lúc ông bà khẳng định sự đúng đắn của quyết định táo bạo năm nào - một quyết định thể hiện tầm nhìn xa rộng cùng bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của người chiến sĩ cách mạng.
Với cơ ngơi hiện nay, bà tự hào nói với chúng tôi: “Tất cả phải đổ bằng mồ hôi và nước mắt, không gì là tự nhiên có” như một lẽ thường nhưng chúng tôi cảm nhận được sâu sắc vì tận mắt nhìn thành quả ông bà có được, khi bắt đầu khởi nghiệp từ tuổi ngoài 60.
Ông bà tích cực giúp những người nghèo ở hai tỉnh Tây Ninh, Long An và đồng đội còn khó khăn. Suốt những năm qua, từ nguồn thu kinh tế gia đình, ông bà hỗ trợ hàng chục con bò, con dê, hàng trăm con cừu, trao tặng hàng chục căn nhà tình nghĩa, tình thương và hàng ngàn suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Long An, Tây Ninh và một số địa phương khác.
Trong buổi nói chuyện với chúng tôi, bà tự hào khoe và không khỏi xúc động khi đọc lá thư của người em trai viết cho người anh thứ 4 của bà, khi 2 anh em đang chiến đấu ở chiến trường khác nhau. Em trai bà hy sinh khi vừa 20 tuổi.
Ở tuổi ngoài 80, mỗi ngày niềm hạnh phúc của ông bà là được chăm sóc cho nhau, vẫn lắng nghe, dành cho nhau những cái nhìn trìu mến. Điều khiến hai ông bà cùng hãnh diện và tự hào nhất là dù ở trong hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ được khí chất của người chiến sĩ cách mạng, một lòng kiên trung theo Đảng.