Chênh chao 'nước mắm Phú Quốc'

Trong một vài năm vừa qua, những nhà thùng ở Phú Quốc đã đang hoạt động cầm chừng do thương lái mua cá cơm phá giá rồi chuyển về đất liền.


Khó khăn trăm bề


Nhiều cơ sở làm nước mắm tại Phú Quốc còn cho biết, việc mua phá giá nguồn cá cơm trên đảo còn có bàn tay của các thương lái Trung Quốc, khiến người làm nước mắm phải sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Theo bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, năm 2013, sản lượng cá cơm nguyên liệu làm mắm giảm rất mạnh, các nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc thiếu nguyên liệu cá cơm trầm trọng, sản lượng nước mắm Phú Quốc cũng sẽ giảm là điều tất yếu. Trong hai năm 2011 - 2012, sản lượng nước mắm sản xuất tại Phú Quốc khoảng 20-25 triệu lít/năm (bình quân 30 độ đạm), tương đương với khoảng 40.000 tấn cá nguyên liệu. Trong năm 2013, sản lượng cá cơm nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu sản xuất.


Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) trao giấy Chứng nhận tên gọi xuất xứ cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Ảnh: Thế Hạnh - TTXVN


Ngoài việc thu hẹp sản xuất do khan hiếm nguyên liệu, người làm nước mắm ở Phú Quốc hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu. Trong khoảng 10 năm qua rất ít sản phẩm nước mắm được đóng nhãn nước mắm Phú Quốc. Chuyện tưởng như đùa nhưng đây lại là một thực tế. Nguyên nhân chính là do hàm lượng histamine trong nước mắm không đạt tiêu chuẩn.

Vừa qua Tổng vụ Nông nghiệp của Ủy ban châu Âu đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc của Việt Nam, được đăng bạ bảo hộ PDO thành công tại thị trường tất cả 28 nước thành viên EU. Đây là điều kiện để đưa nước mắm Phú Quốc vào thị trường đầy tiềm năng này.


Theo giải thích của những người có chuyên môn, vì khan hiếm nên phải đi xa, đánh bắt với sự hỗ trợ của đèn cao áp để thu hút nguồn cá sâu dưới đáy với những mẻ rất lớn và nhiều cá tạp, trong khi việc ướp muối không kịp thời, không theo quy trình, tỷ lệ chuẩn nên histamine sẽ cao.

 

Tìm hướng ra cho nước mắm


Cũng chính vì khó khăn trong xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra nên phần lớn các nhà sản xuất nước mắm tại Phú Quốc phải bán sản phẩm dưới dạng nước mắm nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến nước mắm ở các nơi khác. Hơn 90% sản lượng nước mắm Phú Quốc phải bán theo dạng nguyên liệu. Chỉ một lượng nhỏ còn lại được sản xuất, đóng chai… theo đúng phương pháp truyền thống và để bán cho khách du lịch là chủ yếu.


Một cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết: Trước tình hình người sản xuất nước mắm gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, UBND huyện đã chủ động, tập trung chỉ đạo thực hiện và đề xuất kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất nước mắm như: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Hải để hạn chế hoặc ngăn chặn việc thu mua cá cơm trái phép, trốn thuế. Huyện cũng kiến nghị có chính sách và tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nước mắm được vay vốn ưu đãi để tái sản xuất. Khuyến khích Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc và doanh nghiệp sản xuất nước mắm liên kết, hỗ trợ nhau. Chọn một số doanh nghiệp tiêu biểu đã có kinh nghiệm xuất khẩu nước mắm đi nghiên cứu để đưa sản phẩm nước mắm Phú Quốc sang thị trường châu Âu và kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thông thoáng hơn cho các cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc.

Tình trạng khan hiếm cá cơm nguyên liệu là nguồn cá ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức. Nhiều nhà chế biến sử dụng cá cơm vào việc hấp, sấy khô và sau đó chuyển đi các nơi bán. Các cơ sở chế biến cá cơm sấy khô đã đẩy giá cá cơm nguyên liệu lên cao gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Các nhà thùng sản xuất nước mắm đã tăng giá lên 50-60% so với năm ngoái nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với giá thu mua của các cơ sở hấp, sấy cá cơm.


Ông Thành cho hay: “Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được đăng bạ bảo hộ (PDO) thành công tại thị trường tất cả 28 nước thành viên EU, cá nhân tôi và các cơ sở chế biến nước mắm tại Phú Quốc hết sức vui mừng, đây là điều kiện thuận lợi để lấy lại thương hiệu nước mắm Phú Quốc truyền thống nổi tiếng trên 100 năm đã từ lâu bị chiếm dụng và đồng thời là điều kiện thuận lợi để nước mắm Phú Quốc thâm nhập vào thị trường 28 nước thành viên EU. Nhưng để giữ vững thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” và phát triển thị trường EU đầy tiềm năng này, thì điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo giữ được uy tín, chất lượng của thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” truyền thống, nhất là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời phải không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì”...


L. H

 

 

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang):

Thiếu nguồn nhân lực cho Phú Quốc

Phú Quốc đang gặp khó khăn về cơ chế, chính sách giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, miễn giảm thuế… do vướng một số luật, nghị định nên chưa thực hiện được. Tiếp đến, khối lượng công việc lớn, nhưng biên chế cán bộ ở Phú Quốc không tăng, thiếu cán bộ đảm đương nhiệm vụ, phân công thực hiện công việc. Vốn đầu tư cho Phú Quốc không kịp thời, nhiều dự án phải thực hiện chậm lại nên tiến độ không đảm bảo so với kế hoạch và nhu cầu phát triển đảo Phú Quốc, nhất là xây dựng hệ thống giao thông.

Ví dụ như thu ngân sách năm 2013 của Phú Quốc khoảng 1.000 tỷ đồng, trên địa bàn có hơn 10 chi nhánh ngân hàng đang hoạt động, công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thực hiện hơn 100 phương án với số tiền bồi thường hơn 4.000 tỷ đồng, gần 3.800 hộ bị ảnh hưởng, số lượng đơn khiếu nại của nhân dân rất lớn… nhưng đội ngũ cán bộ, công chức của Phú Quốc được phân bổ cũng giống như những địa phương cấp huyện khác nên gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, công việc làm không xuể, quá sức đối với cán bộ của huyện.

TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, Đại học KHXH
và Nhân văn TP.HCM:

Nếu chưa có bản quy hoạch tổng thể tốt, hãy để Phú Quốc là những vùng non nước tự nhiên

Tại sao cùng diện tích như nhau mà Sinhgapo có thể quy hoạch và phát triển bài bản như thế? Đơn giản là họ chỉ có một nhà đầu tư lớn nhất là nhà nước, họ xây dựng được một bản quy hoạch hoàn hảo cho 150 năm nữa vẫn chưa lạc hậu. Nếu còn kỳ vọng vào Phú Quốc thì Phú Quốc nên là đơn vị hành chính đặc biệt thuộc Chính phủ, và nếu các nhà đầu tư lớn chưa xuất hiện, bản quy hoạch tổng thể chưa xây dựng hoàn hảo thì hãy cứ để những vùng non nước tự nhiên như thế, tốt hơn là những kiểu phát triển chỉ mong đổ ximăng lấp đầy chỗ trống.

Ông Trần Mỹ Thuận, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thịnh Phát, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc):

Nguy cơ phải bỏ nghề nước mắm

Gia đình tôi đã qua 3 đời làm nghề nước mắm theo cách cha truyền con nối. Bản thân tôi biết làm nghề này từ năm 15 tuổi đến nay hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như trong gần 2 năm qua. Nguy cơ buộc phải từ bỏ nghề sản xuất nước mắm đang hiện hữu trước mắt nếu tình trạng thiếu nguyên liệu không sớm khắc phục. Với giá cá cơm mua theo thương lái như hiện nay thì mỗi thùng nước mắm đầu vào nguyên liệu hơn 300 triệu đồng thì không sao trụ lại được, trong khi trước đây chỉ khoảng 100 triệu đồng.

 

 


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN