Chàng trai Việt ước mơ sống trên sao Hỏa

Vượt qua hơn 200.000 ứng viên từ 107 quốc gia, lãnh thổ khắp thế giới, Quốc Anh lọt vào top 100 người sẽ bước vào vòng 3 để đến với hành trình chọn ra 4 người đầu tiên định cư tại sao Hỏa năm 2023.

Hành trình tranh tài

Khát khao chinh phục vũ trụ từ bé, chàng trai Vũ Xuân Linh (tên thường gọi là Quốc Anh) đã đăng ký tham gia dự tuyển “Mars One” - một dự án phi lợi nhuận của Hà Lan với mong muốn đưa con người lên sống tại sao Hỏa. Qua nhiều vòng đấu và thử thách, trong số 200.000 người đăng ký, chương trình sẽ chọn ra 4 người bản lĩnh nhất thế giới sẽ lên sao Hỏa bằng phi thuyền một chiều, trở thành những công dân đầu tiên sống trên sao Hỏa.




Chinh phục vũ trụ là niềm mơ ước từ nhỏ của Quốc Anh.

Bằng kiến thức và những câu trả lời thông minh, Quốc Anh là người Việt Nam duy nhất lọt top 100 người sẽ đi tiếp vòng 3. Danh sách 100 người được phân đều 50 nam, 50 nữ, là công dân đến từ nhiều nơi như Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi…

Quốc Anh (tên thật là Vũ Xuân Linh, SN 1982, quê Thái Bình). Sau một năm học tại lớp Kỹ sư tài năng K46, ĐH Bách khoa Hà Nội, Quốc Anh đạt được học bổng sang du học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), sau đó học thạc sĩ Công nghệ thông tin - ĐH Colombia (Mỹ). Hiện Quốc Anh đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Ước mơ chinh phục vũ trụ đã theo Quốc Anh từ khi còn là một cậu bé. Từ những ngày học cấp 2, anh đã tìm đọc những quyển sách nghiên cứu về vũ trụ, thậm chí tự mày mò tìm hiểu và chế tạo ra kính thiên văn để tự khám phá. Quốc Anh cho biết, lên vũ trụ, đó là một ước mơ đẹp đẽ mà xa vời nhất trong các ước mơ. Bởi từ trước đến nay, nói đến việc bay lên vũ trụ chỉ có thể là các nhân viên của Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) hoặc hiếm hoi mới có người có cơ hội như anh hùng Phạm Tuân, người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, giấc mơ ấy vẫn theo anh đến tận bây giờ.

“Tôi muốn được đào tạo để trở thành một nhà thám hiểm vũ trụ nhưng thực tế, việc học để trở thành một nhà thám hiểm vũ trụ, đối với người Việt Nam và công dân nhiều nước trên thế giới là rất khó. Khi biết đến “Mars One”, chương trình nhận người không phân biệt quốc tịch, dân tộc thì tôi ngay lập tức đăng ký, vì đây là cơ hội nghìn năm có một, dù không ít người nghĩ tôi điên rồ”, Quốc Anh cho biết.

Để lọt vào top 100, Quốc Anh đã phải trải qua một “cuộc chiến” thật sự không hề đơn giản. Các ứng viên phải thể hiện quyết tâm của bản thân khi tham gia chương trình bằng clip ngắn. Cùng đó là kiểm tra về sức khỏe toàn diện, phỏng vấn, thể hiện hiểu biết và làm việc nhóm khi trở thành thành viên tham gia vào chuyến đi.

Quốc Anh chia sẻ: “Vòng gần đây nhất là kiểm tra kiến thức về sao Hỏa và tâm lý. Những người có tâm lý không vững vàng, quá kỳ vọng hoặc có suy nghĩ không thực tại thời điểm này đã bị loại. Ban tổ chức đưa ra những câu hỏi tưởng như rất đơn giản nhưng thật ra rất khó để trả lời, qua đó thử thách các ứng viên, ví dụ như: “Nếu được lên sao Hỏa, sau 3 năm có cơ hội để trở về trái đất thì bạn có quay trở về hay không”. Câu hỏi này tưởng như đơn giản nhưng thật ra lại khó, những người trả lời có hoặc không đều bị loại”.

Đến thời điểm này, chỉ còn 100 ứng viên (50 nam, 50 nữ) được lựa chọn. Các ứng viên này sẽ lập thành các nhóm 4 người (2 nam, 2 nữ) và thi đấu với nhau để chọn ra 6 nhóm đi tiếp vào vòng cuối cùng. Hình thức thi đấu hiện chưa được công bố, nhưng dự kiến sẽ bao gồm các vòng thi nhằm thể hiện khả năng làm việc và sống sót theo nhóm. 6 nhóm sẽ trải qua các quy trình tập luyện khắc nghiệt đều đặn trong suốt 8 năm, sau đó, đội nào xuất sắc nhất sẽ lên phi thuyền lên sao Hỏa.

“Mình vẫn hay đùa với bạn bè, vòng đấu sắp tới giống như “Đấu trường sinh tử” vậy. Hiện chưa có thông báo về lịch trình tiếp theo, tuy nhiên mình vẫn tự học hỏi thêm kiến thức cần thiết, rèn luyện sức khỏe để sẵn sàng cho những chương trình thử thách tiếp theo”, Quốc Anh cho biết.

Tuổi trẻ, ước mơ và làm

Quốc Anh đăng ký tham gia chương trình “Mars One” năm 2013, khi anh còn độc thân và đang sống, làm việc tại Mỹ. Đến nay, sau 2 năm, anh đã lập gia đình và chuẩn bị chào đón một thành viên mới. Khi biết thông tin anh tham gia chương trình này, gia đình anh đều phản đối và cho rằng đó là ý định điên rồ. “Bố mẹ mình khi biết mình được vào vòng 2 thì hết sức lo lắng, chỉ có chị thì ủng hộ ước mơ của mình, bạn bè đa phần là hứng thú và tò mò”, Quốc Anh cho biết.

Mars One là dự án được khởi xướng bởi Bas Lansdorp, một doanh nhân người Hà Lan với mục đích gây quỹ để áp dụng các công nghệ vũ trụ hiện có, nhằm thiết lập một trạm định cư đầu tiên của loài người trên sao Hỏa. Đây là một chương trình dài hơi, dự kiến kéo dài hơn 10 năm từ 2013 đến 2026. Tổng kinh phí ước tính cho chương trình là 6 tỷ USD, với tham vọng đưa 4 người đặt chân lên sao Hỏa vào năm 2025. Bất kỳ công dân nước nào có đủ sức khỏe, kiến thức và năng lực hành vi đều có thể tham gia ứng tuyển. Theo các chuyên gia, dự án này là hoàn toàn khả thi về mặt công nghệ. Ngoài ra, những người được lựa chọn sẽ phải chuẩn bị sẵn tâm lý, vì đây là chuyến bay "một đi không trở lại”.

Khi được hỏi, gia đình anh sắp chào đón thành viên mới, sắp được làm cha, liệu anh có thay đổi quyết định của mình hay không? Quốc Anh khẳng khái bày tỏ, Mars One là chương trình sẽ giúp anh thực hiện được giấc mơ của mình, việc anh tham gia Mars One là việc hoàn toàn nghiêm túc chứ không phải là một phút “cao hứng”. Để thực hiện khát vọng và tận dụng cơ hội để làm điều gì đó lớn lao thì đôi khi phải chấp nhận lựa chọn, chấp nhận không có được thứ khác.

“Mình phải từng bước thuyết phục gia đình, rằng đây không phải là chuyến đi để chết mà người tham gia được đảm bảo sự sống và sức khỏe. Mars One cũng thiết kế để các phi hành gia luôn liên lạc được với trái đất 24/7 qua Internet nhưng quá trình gửi - nhận sẽ chậm 7 phút do khoảng cách từ sao Hỏa về trái đất là 7 phút ánh sáng. Mình và gia đình vẫn có thể liên lạc với nhau hàng ngày, thậm chí là hàng giờ. Sau khi hiểu ra, mọi người không phản đối như trước nữa, dù chưa hẳn là đồng ý, vì không ai muốn xa người thân”, Quốc Anh chia sẻ.

“Mars One” được mệnh danh là “Hành trình chết”, là chuyến đi một chiều, không có hành trình trở về, tức là các ứng viên sẽ ở lại sao Hỏa, vĩnh viễn không được quay về trái đất. Nhưng với Quốc Anh, đây là yếu tố thuyết phục anh nhất, bởi đã dám ước mơ thì phải dám đánh đổi.

Nếu trở thành 1 trong 4 thành viên lên sao Hỏa, Quốc Anh cùng các thành viên còn lại sẽ phải sống trong môi trường hoàn toàn xa lạ, cách trái đất hàng triệu km và nhiệt độ trung bình dưới 0 độ C. Các phi hành gia có nhiệm vụ tự trồng lương thực, chăm sóc hệ sinh thái nhân tạo, thực hiện các nghiên cứu khoa học, tìm khoáng sản, nguồn năng lượng…

Các chuyên gia nhận định, nếu Mars One thành công, đó sẽ là bước tiến vĩ đại nhất và vô giá của loài người. Bởi lẽ, từ trước đến nay các quốc gia mới chỉ đưa người lên mặt trăng thám hiểm, ngay cả Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng chỉ mới đưa robot lên sao Hỏa và từ bỏ ý định đưa người lên vì ngân sách không cho phép.

Quốc Anh cho biết: “Một trong những nhiệm vụ chính của các phi hành gia khi lên sao Hỏa là trồng trọt công nghệ cao. Nếu thành công sẽ tạo ra hướng đi nông nghiệp mới. Khi chúng ta tạo ra quy trình sản xuất nông nghiệp sử dụng ít nước, tái tạo không khí, phân bón và các thành phần khác, giúp giảm tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất trên sao Hỏa thì hoàn toàn có thể áp dụng trên trái đất, tạo bước đột phá”.

Thu Trang

Tìm thấy nước muối trên sao Hỏa
Tìm thấy nước muối trên sao Hỏa

Thiết bị tự hành Curiousity của NASA đã chụp lại bằng chứng đầu tiên cho thấy sự xuất hiện của nước muối trên sao Hỏa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN